Bệnh viêm não Nhật Bản nguy hiểm như thế nào?
Sức khỏe - Ngày đăng : 15:41, 22/05/2019
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tuần qua (từ ngày 13-5 đến 19-5), thành phố ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản trong năm 2019. Đó là bệnh nhi 3 tuổi rưỡi, ở xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao, li bì, co giật… Hiện tại, cháu bé đã tỉnh, không còn co giật. Tính chung cả nước, từ đầu năm đến nay, 11 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản đã được ghi nhận.
Trao đổi với phóng viên HNMO, ông Đào Hữu Thân, Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội cho biết, viêm não Nhật Bản (VNNB) là bệnh nhiễm virus cấp tính làm tổn thương hệ thần kinh trung ương (não bộ). Bệnh được ghi nhận lần đầu tiên tại Nhật Bản năm 1871 và tại Việt Nam vào năm 1952. Hằng năm, có khoảng 2.000-3.000 trường hợp mắc bệnh, trong đó có nhiều trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, kể từ năm 1997 đến nay, số ca mắc hằng năm giảm xuống đáng kể, chỉ ghi nhận từ vài chục ca đến tối đa vài trăm ca. Đó là nhờ Việt Nam đã sản xuất được vắc xin phòng bệnh VNNB từ năm 1993, sau đó đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm cho trẻ em cả nước.
Đường lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản. (Ảnh: Internet) |
Tuy nhiên, đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Bệnh lây qua muỗi đốt. Muỗi đốt lợn và chim hoang mang bệnh rồi truyền sang người. “Khác với muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết sống ở khu vực quanh nhà, muỗi truyền bệnh VNNB thường có màu nâu, thích sống ở khu vực ao, cánh đồng, có thể bay xa trong vòng bán kính 3km”, chuyên gia này thông tin.
Sở dĩ nói VNNB là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bởi người mắc bệnh bị virus tấn công và làm tổn thương hệ thần kinh trung ương, trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong. “Thông thường, nếu người bệnh qua khỏi thì có thể mắc các di chứng như liệt vận động, chậm phát triển trí tuệ (bại não)”, ông Đào Hữu Thân nhấn mạnh.
Điều đáng nói, bệnh thường khó phát hiện sớm do các triệu chứng ban đầu rất giống với bệnh viêm não hoặc viêm màng não khác. Các triệu chứng lâm sàng rất khó phân biệt giữa các chủng virus nên việc chẩn đoán phải thông qua việc xét nghiệm xác định được virus. Vài ba ngày sau, triệu chứng của bệnh mới rõ hơn như: Sốt cao đột ngột, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, đau khớp, cứng gáy, rối loạn phương hướng (loạng choạng, quờ quặng, đờ đẫn), rối loạn ý thức (hôn mê, nói nhảm), liệt. Đặc biệt, bệnh diễn biến rất nhanh, bệnh nhân có thể bị co giật, rơi vào hôn mê chỉ sau 3 ngày mắc bệnh.
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuối nhưng chủ yếu gặp ở trẻ dưới 15 tuổi. Đặc biệt, nhóm nguy cơ cao nhất là trẻ 1-5 tuổi, chiếm khoảng 75% tổng số trẻ mắc hằng năm.
Bệnh VNNB xảy ra quanh năm, nhưng thường gặp từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm. Đặc biệt, tháng 6 đến tháng 7 là khoảng thời gian ghi nhận số ca mắc VNNB cao nhất trong năm.
Theo Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, để phòng, chống VNNB, biện pháp đặc hiệu là tiêm chủng vắc xin phòng VNNB với 3 liều cơ bản: Mũi 1 tiêm lúc trẻ được 1 tuổi; mũi 2 tiêm sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó, cứ 3 năm tiêm nhắc lại 1 lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Ngoài ra, hiện nay trên thị trường còn có vắc xin phòng VNNB thế hệ mới hơn có thể tiêm cho trẻ từ đủ 9 tháng tuổi trở lên và số lượng mũi tiêm giảm đi (chỉ cần tiêm 1-2 mũi).
Cùng với tiêm vắc xin thì những biện pháp khác để phòng, chống bệnh cũng rất quan trọng như: Phòng chống muỗi đốt bằng cách ngủ trong màn, sử dụng thuốc/hóa chất diệt muỗi, không cho trẻ em chơi ở gần chuồng gia súc; xây dựng khu chăn nuôi, chuồng trại ở xa nhà; phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh để hạn chế muỗi có chỗ sinh sản và phát triển.
“Khi có dấu hiệu sốt cao, cần phải đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời”, chuyên gia này khuyến cáo.