Tôm càng đỏ: Hiệu quả kinh tế thấp, mối nguy hại nhiều
Nông nghiệp - Ngày đăng : 15:55, 22/05/2019
Đại biểu Nguyễn Xuân Cường tại phiên họp tổ sáng 22-5. |
Diễn biến thời tiết bất thường, bệnh dễ lây lan
Nhận định về bệnh Dịch tả lợn châu Phi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, đây là loại bệnh nguy hiểm nhất đối với việc phát triển đàn lợn trên thế giới và Việt Nam. Đến nay, bệnh không có thuốc phòng, chữa nên lợn bệnh buộc phải bị tiêu hủy.
Do đặc thù chăn nuôi tại Việt Nam có đến 55% số hộ nuôi lợn quy mô nhỏ lẻ, cộng với những diễn biến bất thường của thời tiết, việc ngăn chặn bệnh rất khó.
“Chưa năm nào diễn biến thời tiết phức tạp như năm nay. Chưa bao giờ có hoa sữa nở vào mùa này. Mấy hôm vừa qua, trời nắng nóng lại xen kẽ mưa. Với dự báo diễn biết bất thường của thời tiết thời gian tới, nếu không triển khai tốt công tác phòng bệnh thì bệnh sẽ có nguy cơ lan tiếp. Hiện có 30 xã đã khống chế bệnh đủ 30 ngày nhưng bệnh đã quay trở lại, đặc biệt là nguy cơ bệnh xảy ra tại các hộ chăn nuôi quy mô lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu tình hình thực tế.
Bộ NN&PTNT đang giao cho các trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ trực thuộc kết hợp với các đơn vị ngoài ngành đẩy nhanh việc nghiên cứu vắc xin phòng bệnh và kết hợp với Bộ Y tế để sớm có nhóm giải pháp xử lý lợn bệnh, ngoài cách chôn lấp như hiện nay.
Tôm càng đỏ nhập lậu từ Trung Quốc bị lực lượng biên phòng Lào Cai bắt giữ. Ảnh: Thanh niên |
Tôm càng đỏ: Hiệu quả kinh tế thấp, mối nguy hại nhiều
Phân tích sức gây hại của loài sinh vật ngoại lai này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: "Chúng có miệng cứng, phàm ăn nên sẽ tiêu diệt hết tôm, cá. Với đặc tính đào hang sinh sống, tôm càng đỏ phá hết các công trình thủy lợi, bờ kênh, mương, gây nguy cơ sạt lở". Ngoài ra, loài sinh vật này có hiệu quả kinh tế thấp vì vỏ cứng và dày.
Bộ trưởng khẳng định, tôm càng đỏ là sinh vật chỉ định cấm được đưa vào Việt Nam. Bộ NN&PTNT đã có văn bản chỉ đạo gửi đến các tỉnh, thành, địa phương, đồng thời lập đoàn giám sát, kết hợp với việc tích cực truyền thông về tác hại của loại tôm này.
“Mong địa phương thấy việc gì có lợi cho dân, ảnh hưởng đến sản xuất thì xông vào. Đặc biệt, mong các đại biểu Quốc hội đưa nội dung này trong tiếp xúc cử tri. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, không để vì lợi ích nhỏ của một bộ phận mà làm ảnh hưởng đến tình hình chung. Sau này, chúng ta mất nhiều thời gian, tiền của để chạy theo khắc phục”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, nước ta có khoảng 100 sinh vật ngoại lai, mục tiêu đến năm 2020cố gắng giảm một nửa và số lượng này sẽ co dần lại. Sinh vật ngoại lai gây ảnh hưởng lớn nhất hiện nay là ốc bươu vàng và cây mai dương.