Nhiều ý kiến về việc đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam

Chính trị - Ngày đăng : 17:48, 22/05/2019

(HNMO) - Thảo luận tại hội trường chiều 22-5 về dự thảo Luật Thi hành án (sửa đổi), các đại biểu tập trung cho ý kiến về nội dung tổ chức cho phạm nhân lao động.


Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga.


7.000 phạm nhân ra ngoài lao động, một phạm nhân bỏ trốn

Một số ý kiến cho rằng, việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, không bảo đảm tính nghiêm minh của bản án, gây tâm lý lo lắng cho nhân dân ở khu vực phạm nhân lao động, dễ xảy ra tình trạng phạm nhân mang vật cấm vào trại giam và nguy cơ phạm nhân trốn.

Trước những ý kiến trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ quan điểm việc tổ chức lao động cho phạm nhân vừa nhằm giáo dục, cải tạo, dạy nghề, cải thiện chế độ ăn, tạo thêm khoản thu nhập, chuẩn bị cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời cũng là biện pháp quản lý hiệu quả.

Để có cơ sở đầy đủ cho đại biểu xem xét, cho ý kiến về phương án quy định tại Điều 33 của dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Bộ Công an có báo cáo đầy đủ về công tác tổ chức lao động tại các trại giam và việc thí điểm đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam.

Kết quả cho thấy, tại một số địa bàn có tình hình an ninh trật tự tốt và được chính quyền địa phương đồng ý, Bộ Công an đã tiến hành thí điểm, cho phép các trại giam được tổ chức “khu sản xuất” và được liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để tổ chức các “điểm lao động” ngoài trại giam.

Tổng kết cho thấy, trong tổng số gần 7.000 phạm nhân ra ngoài lao động, có một phạm nhân bỏ trốn.

Từ thực tiễn nêu trên và tiếp thu ý kiến đa số đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định tại Điều 33 dự thảo luật theo hướng cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam cho phạm nhân.

Không vì e ngại mà bỏ đi nhu cầu chính đáng của phạm nhân

Đại biểu Trần Văn Mão (Đoàn Nghệ An)


Tại phiên thảo luận, nội dung này nhận được nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi. Đại biểu Trần Văn Mão (Đoàn Nghệ An) băn khoăn về tính khả thi cũng như nguy cơ phát sinh nhiều vấn đề trong công tác quản lý phạm nhân thi hành án phạt tù khi tổ chức lao động ngoài trại giam.

Theo đại biểu Trần Văn Mão, lao động của phạm nhân là một biện pháp giáo dục chứ không phải là nhằm tạo ra cơ sở vật chất để phục vụ đời sống của phạm nhân. 


“Việc Nhà nước bố trí kinh phí để kiểm soát an ninh tại các cơ sở sản xuất ngoài trại giam khi liên kết với trại giam cho phạm nhân lao động là khó khả thi”, đại biểu Mão nhấn mạnh.

Phát biểu về cơ sở pháp lý để bảo đảm việc đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định) nhấn mạnh, báo cáo của Bộ Công an cũng thừa nhận việc liên kết chưa được luật hóa, dẫn đến nhiều khó khăn trong quá trình thực thi. Trong đó, vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng liên quan đến đầu tư sản xuất trên đất của trại giam quản lý, thu hút đầu tư của doanh nghiệp… Do đó, đại biểu Hạnh cho rằng: “Nếu chưa có cơ sở pháp lý thì phải bổ sung cho đầy đủ”.

Với quan điểm ủng hộ, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) viện dẫn: “Việc này không chỉ nhằm cải tạo họ mà rất cần thiết cho mục tiêu tái hòa nhập cộng đồng”.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn).


“Bởi có những người bị phạt tù 10 - 15 năm nếu không có lao động, không có tay nghề thì khi mãn hạn tù sẽ rất khó khăn trong tìm kiếm việc làm, mặc cảm, tự ti và nguy cơ tái phạm rất lớn”, đại biểu Thủy cho biết.

Trước các ý kiến lo ngại tổ chức cho phạm nhân lao động ở ngoài trại giam ảnh hưởng đến anh ninh an toàn, đại biểu Thủy cho rằng: “Những lưu ý này là cần thiết để Bộ Công an tổ chức, quản lý chặt chẽ nếu được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, không vì e ngại mà chúng ta bỏ đi nhu cầu chính đáng của phạm nhân là lao động”.

Về cuối phiên thảo luận, nhiều đại biểu như Nguyễn Thanh Hồng (Đoàn Bình Dương), Nguyễn Bá Sơn (Đoàn Đà Nẵng), Nguyễn Mai Bộ (Đoàn An Giang), Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội)... vẫn giơ biển muốn tranh luận, bày tỏ quan điểm về nội dung này. Có đại biểu yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát phiếu lấy ý kiến đại biểu trước khi dự thảo luật dự kiến được thông qua tại kỳ họp.

Bảo Hân