Đến lượt ARM chấm dứt hợp tác khiến Huawei bị dồn vào chân tường
Xe++ - Ngày đăng : 08:39, 23/05/2019
Vi xử lý di động của Huawei chỉ có thể được sản xuất dưới sự cho phép của ARM. |
Theo thông báo đưa ra, ARM yêu cầu toàn bộ nhân viên “chấm dứt mọi hợp đồng đang có hiệu lực, các chế độ hỗ trợ cũng như mọi cam kết đang chờ thực thi” nhằm tuân thủ lệnh cấm của Washington.
Điều đặc biệt nằm ở chỗ, bản thân ARM là công ty có trụ sở tại Anh và thuộc sở hữu của Tập đoàn Softbank của Nhật Bản. Tuy nhiên, theo quan điểm của tập đoàn này, nhiều thiết kế gốc của họ được phát triển dựa trên các công nghệ của Mỹ. ARM đã thiết kế một số dòng vi xử lý tại Austin (Texas) và San Jose (California), đồng nghĩa rằng nhiều khả năng họ cũng nằm trong diện điều chỉnh của lệnh cấm do Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra.
Trong khi đó, tương tự như nhiều nhà sản xuất vi xử lý di động khác, Huawei buộc phải có được sự chấp nhận của ARM để có thể sử dụng các kiến trúc vi xử lý cần thiết phục vụ việc chế tạo bộ xử lý cho điện thoại di động. Khi mất đi quyền này, cha đẻ của dòng chip Kirin sẽ không thể sản xuất chip để trang bị cho các thiết bị thông minh của mình (trong đó có cả điện thoại, máy tính bảng, đồ gia dụng…), kể cả khi sở hữu công ty bán dẫn con HiSilicon.
Về phần mình, tuy cắt đứt quan hệ với Huawei, ARM vẫn bày tỏ kỳ vọng một thỏa thuận giải quyết những căng thẳng sẽ sớm được đưa ra.
Thực tế, ARM không phải thực thể nằm ngoài lãnh thổ Mỹ duy nhất chấm dứt quan hệ với Huawei. Hồi đầu tuần này, nhà sản xuất bán dẫn Đức Infineon cũng đã có động thái tương tự. Điều này cho thấy sẽ còn nhiều công ty xuất thân từ những quốc gia đồng minh của Mỹ có xu hướng ủng hộ lệnh cấm.
Với diễn biến mới, có thể thấy Huawei đã lâm vào thế bí thực sự. Chỉ trong vòng vài ngày trở lại đây, hãng đã lần lượt mất đi kênh cung cấp chip máy tính cá nhân từ Intel; mất quyền sử dụng hệ điều hành di động từ Google; mất nhà cung cấp vi xử lý di động và chip viễn thông là Qualcomm; và giờ đây là quyền sử dụng các thiết kế vi xử lý để tự chế tạo linh kiện riêng. Trong ngày 22-5, Microsoft cũng đã loại bỏ toàn bộ máy tính của Huawei khỏi chuỗi cửa hãng bán lẻ của mình, làm dấy lên tin đồn về việc quyền được sử dụng hệ điều hành Windows cho máy tính cá nhân và máy chủ cũng sẽ sớm rời khỏi tay Huawei.