Chỉnh lý các quy định về phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia

Đời sống - Ngày đăng : 08:11, 23/05/2019

(HNMO) - Sáng 23-5, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo giải trình một số nội dung.


Báo cáo nêu dự thảo luật sau chỉnh lý có 36 điều, ít hơn 2 điều so với dự thảo luật do Chính phủ trình và có những điểm mới cơ bản so với pháp luật hiện hành.

Cụ thể, các quy định của dự thảo luật đã luật hóa hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia; quản lý rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh để có thể quản lý được việc lưu hành của sản phẩm này trên thị trường và bảo đảm an toàn thực phẩm; quản lý kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ thông qua việc giao Chính phủ quy định cụ thể; không cấm bán rượu, bia trên internet mà chỉ quy định điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử; quy định cụ thể hơn về việc quản lý quảng cáo rượu, bia và tài trợ của các tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu, bia.

Dự thảo luật quy định độ tuổi được mua rượu, bia; địa điểm không uống rượu, bia; địa điểm không bán rượu, bia và trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý cơ sở có địa điểm không uống, không bán rượu, bia và người đứng đầu cơ quan, tổ chức và gia đình trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. 

Các quy định về biện pháp giảm tác hại của rượu, bia, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định về phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia thống nhất với Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa; quy định nhằm phát huy trách nhiệm của các chủ thể liên quan.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý Khoản 8, Điều 5 về hành vi bị nghiêm cấm và Điều 21 về phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia quy định “người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông”, giao trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải thực hiện các biện pháp để người điều khiển phương tiện không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.

Bộ Giao thông - Vận tải có trách nhiệm xây dựng nội dung và tổ chức việc đào tạo về phòng, chống tác hại của rượu, bia trong chương trình đào tạo cấp giấy phép lái xe.

Về tên gọi của dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ nguyên tên gọi “Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia”. Ủy ban nhận định, tên gọi này ngắn, gọn, dễ nhớ, thuận lợi cho việc tuyên truyền, tiếp cận pháp luật của nhân dân và nhấn mạnh mục tiêu chính của phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Cũng trong sáng nay, sau báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, các đại biểu thảo luận tại hội trường về một số vấn đề quan tâm liên quan đến dự thảo luật.

Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia dự kiến được thông qua tại kỳ họp này.

Bảo Hân