Thành ủy Hà Nội và Thành ủy TP Hồ Chí Minh chia sẻ kinh nghiệm công tác tổ chức
Chính trị - Ngày đăng : 08:30, 23/05/2019
Phó Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Võ Thị Dung phát biểu tại buổi làm việc. |
Mở đầu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu khẳng định, chủ đề mà Đoàn công tác của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh quan tâm cũng là vấn đề được Thành ủy Hà Nội tập trung thực hiện trong những năm qua và đạt được một số kết quả cụ thể. Thành ủy Hà Nội sẽ giới thiệu, chia sẻ giúp Đoàn thu được những kết quả tích cực trong chuyến công tác. Bên cạnh đó, Thành ủy Hà Nội cũng mong muốn được lắng nghe những ý kiến chia sẻ về kinh nghiệm của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh trong lĩnh vực này...
Tiếp đó, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Phan Chu Đức đã trình bày khái quát tình hình, kết quả thực hiện sắp xếp tổ chức Đảng, ở cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp thành phố và tổ chức dưới phường, xã, thị trấn của thành phố Hà Nội.
Trong đó, Hà Nội đã chủ động triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, các nghị quyết hội nghị Trung ương 6 (khóa XII): Nghị quyết số 18-NQ/TƯ “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 19-NQ/TƯ về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”.
Kết quả thực hiện giúp Hà Nội vừa giảm biên chế, giảm đầu mối, tiết kiệm chi ngân sách, vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Đến nay, thành phố đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị. Qua đó đã giảm 7 đảng bộ trực thuộc; giảm 59 phòng, ban; giảm 39 trưởng phòng, ban và 143 phó trưởng phòng, ban; giảm 130 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở; giảm 27 ban quản lý dự án và 2 quỹ cùng với 30 vị trí cấp trưởng, 69 cấp phó tại các cơ quan này. Thành phố cũng tinh giản được 488 biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20-11-2014 của Chính phủ về “Chính sách tinh giản biên chế”.
Hà Nội đã tập trung tổ chức, sắp xếp lại hệ thống chính trị ở địa bàn dân cư. Tính đến hết năm 2018, toàn thành phố có 7.970 thôn, tổ dân phố, giảm 2.018 thôn, tổ dân phố; có 5.236 chi bộ thôn, tổ dân phố, giảm 402 chi bộ thôn, tổ dân phố... Hệ thống chính trị ở cơ sở đã thống nhất theo mô hình một chi bộ hoặc đảng bộ bộ phận lãnh đạo một tổ dân phố và các tổ chức đoàn thể nhân dân. Hiện nay, thành phố đang tiếp tục chỉ đạo thí điểm tại một số quận, huyện để tinh giản đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố…
Trên cơ sở đề nghị của các thành viên Đoàn công tác của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, Chánh Văn phòng Thành ủy Nguyễn Văn Tứ, Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Trần Đình Cảnh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Chí Đoàn đã trao đổi, làm rõ thêm các vấn đề. Đáng chú ý, song song với việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, Thành ủy Hà Nội đã chủ động, sáng tạo trong đổi mới công tác đánh giá tổ chức Đảng và đảng viên theo hướng thực chất. Cụ thể, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Quy định tạm thời đánh giá, phân loại chất lượng đảng bộ cấp trên cơ sở; đặc biệt là ban hành Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội.
Kết quả sắp xếp tổ chức Đảng ở cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp thành phố và tổ chức dưới phường, xã, thị trấn đã tạo chuyển biến rõ nét về trách nhiệm thực thi công vụ và phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, thể hiện qua kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị và sự phát triển của Thủ đô trong những năm qua.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn công tác Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, Đảng bộ thành phố Hà Nội và Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh có nhiều nét tương đồng, vì cùng có số lượng đảng viên đông, lãnh đạo hai đầu tàu kinh tế, dẫn đầu cả nước về đóng góp cho ngân sách... Thông qua buổi làm việc là dịp để Thành ủy Hà Nội chia sẻ những việc làm được, những vấn đề còn khó khăn, qua đó tìm hiểu, học hỏi thêm từ thành phố Hồ Chí Minh, cùng nhau trao đổi, thảo luận, tháo gỡ. Tất cả vì mục tiêu giúp hai Đảng bộ tiếp tục phát triển, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Trân trọng cảm ơn Thành ủy Hà Nội đã nhiệt tình đón tiếp và cung cấp đầy đủ các tài liệu cũng như trao đổi thẳng thắn, chia sẻ, làm rõ từng vấn đề mà Đoàn quan tâm, Phó Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Võ Thị Dung khẳng định, kết quả làm việc cho thấy, so với thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đã đi trước trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII); chủ động, sáng tạo trong sắp xếp tổ chức bộ máy ở các cơ quan cấp thành phố, cấp quận, huyện, thị xã và cấp cơ sở. “Những thông tin thu nhận được từ kinh nghiệm của Hà Nội giúp ích rất nhiều cho Đoàn công tác và cá nhân tôi trong việc thực hiện nhiệm vụ tham mưu về sắp xếp tổ chức bộ máy được Ban Thường vụ Thành ủy thành phố giao cho”, đồng chí Võ Thị Dung nói.
Theo đề nghị của Trưởng đoàn công tác Võ Thị Dung, sau buổi làm việc, Đoàn sẽ làm việc trực tiếp với các ban Đảng Thành ủy Hà Nội và một số cấp ủy cơ sở để tìm hiểu rõ hơn cách thức triển khai, thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.