Nguy cơ bệnh truyền nhiễm tăng cao vào mùa hè
Sức khỏe - Ngày đăng : 07:06, 25/05/2019
Bác sĩ Khoa Nhi (Bệnh viện Thanh Nhàn) kiểm tra sức khỏe bệnh nhi mắc sởi. Ảnh: Thu Trang |
Lo ngại biến chứng nguy hiểm
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại Khoa Nhi (Bệnh viện Thanh Nhàn), vào thời điểm này, các buồng bệnh đều kín chỗ. Trong số khoảng 70 bệnh nhi đang điều trị nội trú tại đây, có hơn 10 trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm như: Sởi, cúm A, thủy đậu, quai bị và bệnh nhi mắc sởi luôn đông hơn so với các bệnh truyền nhiễm khác. Nếu cả năm 2018, tại đây chỉ ghi nhận một vài trường hợp mắc sởi, thì năm nay, gần như ngày nào cũng có bệnh nhi mắc sởi nhập viện. Trung bình mỗi ngày, Khoa Nhi tiếp nhận từ 3 đến 5 trường hợp mắc sởi, thậm chí có ngày cao điểm lên tới 10 trường hợp.
Bác sĩ Lê Thanh Tùng, Khoa Nhi (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, đa phần các trường hợp mắc sởi nhập viện là do chưa được tiêm phòng vắc xin hoặc tiêm chưa đủ số mũi theo quy định. Đơn cử như trường hợp bé Phạm Trung K. (2 tuổi ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) mới được tiêm 1 mũi vắc xin phòng bệnh sởi và chuẩn bị tiêm mũi thứ 2, thì mắc bệnh thủy đậu, sau đó, tiếp tục mắc thêm bệnh sởi. Do thể trạng bị suy dinh dưỡng, sức đề kháng giảm, nên khi mắc sởi, bé K. đã bị bội nhiễm, biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, phải thở máy. Hiện tại, sau hơn 10 ngày được điều trị tích cực, tình trạng sức khỏe của bé đã khá hơn...
Tương tự, tại Khoa Hồi sức tích cực nhi (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) đã tiếp nhận hơn 70 trường hợp mắc sởi, tăng mạnh so với năm ngoái. Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Vinh, Khoa Hồi sức tích cực nhi, các trường hợp mắc sởi được đưa vào bệnh viện điều trị đều bị biến chứng viêm phế quản, viêm mũi họng, viêm kết mạc… Tuy nhiên, tại khoa chưa ghi nhận trường hợp nào nặng, phải chuyển lên tuyến trên. Đáng lưu ý, đa phần bệnh nhi mắc bệnh chưa đến tuổi tiêm phòng hoặc chưa được tiêm phòng. Điển hình như trường hợp bé Nguyễn Hoàng H. (7 tuổi, tạm trú tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên) do thể trạng yếu, bị bệnh tim bẩm sinh và đã phẫu thuật 1 lần, nên bé chưa được tiêm phòng vắc xin sởi.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Vinh, Khoa Hồi sức tích cực nhi (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) kiểm tra sức khỏe bệnh nhi Nguyễn Hoàng H. Ảnh: Thu Trang |
Còn tại Bệnh viện Nhi trung ương, trung bình mỗi ngày cũng tiếp nhận từ 20 đến 30 bệnh nhi nhập viện do mắc sởi. Cùng với bệnh sởi, bệnh viện đang điều trị cho trường hợp đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản trong năm 2019 trên địa bàn Hà Nội. Đó là một bệnh nhi 4 tuổi (ở xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ) nhập viện trong tình trạng sốt cao, li bì, co giật… Sau hơn 10 ngày điều trị, sức khỏe của bệnh nhi đã tiến triển khả quan: Giảm sốt, hết co giật. Ngoài ra, Hà Nội cũng đã ghi nhận 2 trường hợp mắc viêm não mô cầu.
Qua quá trình điều trị, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, mùa hè (từ tháng 5 đến tháng 8) là giai đoạn cao điểm của bệnh viêm não, trong đó có viêm não Nhật Bản (thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi). Bệnh có tỷ lệ tử vong và di chứng cao (từ 25 đến 35%). Tử vong do viêm não Nhật Bản thường xảy ra trong 7 ngày đầu khi bệnh nhân có biểu hiện hôn mê sâu, co giật và những triệu chứng tổn thương não. “Những bệnh nhân qua khỏi có thể để lại di chứng nặng nề như: Rối loạn tâm thần, rối loạn vận động, giảm khả năng giao tiếp… Đây cũng chính là nỗi lo sợ của các bà mẹ có con nhỏ trong mùa hè”, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm cảnh báo.
Tiêm phòng đầy đủ, vệ sinh môi trường sạch sẽ
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện số ca mắc sởi vẫn đứng đầu với 1.274 trường hợp, tiếp đến là bệnh tay chân miệng 260 trường hợp, sốt xuất huyết có 243 trường hợp, ho gà 69 trường hợp…
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội vẫn trong tầm kiểm soát. Riêng với bệnh sởi, năm 2019 là năm theo chu kỳ dịch bệnh. Không riêng nước ta, nhiều nước trên thế giới cũng ghi nhận dịch bệnh sởi gia tăng. Từ cuối năm 2018, Hà Nội đã dành ngân sách để triển khai tiêm chủng bổ sung miễn phí vắc xin sởi cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi. Đến nay, với tổng số trẻ được tiêm hơn 590.000 cháu (chiếm tỷ lệ 97,36%) đã góp phần giảm trường hợp mắc sởi trong nhóm tuổi này. Tuy nhiên, nhóm từ 6 đến 10 tuổi vẫn có số mắc bệnh sởi cao. Dự kiến, Hà Nội sẽ triển khai tiêm phòng cho nhóm tuổi này trong thời gian tới.
Ông Đào Hữu Thân, Phó Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội) cho biết, tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh. Đối với các bệnh có vắc xin dự phòng như: Sởi, ho gà, viêm não Nhật Bản, viêm màng não, cúm, thủy đậu, quai bị, người dân cần đưa con em đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch. Ngoài biện pháp tiêm phòng, ông Đào Hữu Thân cũng lưu ý, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản là các bệnh lây truyền do muỗi đốt. Mùa hè với khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều thường tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển.
Để phòng tránh bệnh, mỗi gia đình cần tăng cường vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy, dọn dẹp nhà cửa, lật úp các dụng cụ chứa nước, sử dụng thuốc diệt muỗi, khi ngủ phải nằm màn, tránh bị muỗi đốt… Ngoài ra, khi có các triệu chứng của bệnh như: Sốt cao, buồn nôn, đau đầu dữ dội, cứng cổ, run tay chân, suy nhược cơ… cần đến cơ sở y tế gần nhất để chẩn đoán và điều trị kịp thời.