Kiên quyết lấp “lỗ hổng”

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:31, 26/05/2019

(HNM) - “Thủ phạm” gây ra sự nhếch nhác, ô nhiễm môi trường, mất an toàn cho người tham gia giao thông một phần đến từ những chiếc xe tải chở phế thải, vật liệu xây dựng không được che chắn cẩn thận vẫn ngày ngày tung hoành trên rất nhiều tuyến phố của Thủ đô...


Là đô thị có số lượng công trình đang thi công lớn, trải rộng trên khắp các địa bàn nên số phương tiện tham gia vận chuyển vật liệu xây dựng rất nhiều. Đáng lưu ý, không chỉ đầu phương tiện tăng mà các vi phạm như cơi nới thành, thùng xe; chở quá tải trọng cho phép; không che chắn khi chở vật liệu rời hoặc che chắn chỉ mang tính đối phó... cũng ngày càng tăng.

Đây là vấn đề không mới, chế tài áp dụng cho các hành vi vi phạm cũng ngày càng nặng, nhưng vi phạm vẫn không giảm. Nghịch lý này cho thấy, vẫn còn kẽ hở để các đối tượng lợi dụng, liên tục vi phạm. Đó là mức phạt chưa đủ sức răn đe; lực lượng chức năng mỏng và thiếu sự quyết liệt; sự phối hợp giữa các sở, ngành lỏng lẻo... Trong khi đó, lực lượng làm nhiệm vụ lại thiếu công cụ, phương tiện; chưa kể, không loại trừ việc vẫn có người dung túng, bao che vi phạm nên hiệu quả ngăn chặn, xử lý vi phạm chưa như mong muốn.

Hành vi chuyên chở hàng hóa để rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường đã được quy định khá đầy đủ trong hệ thống pháp luật nước ta. Tuy nhiên, vi phạm vẫn diễn ra phổ biến, trầm trọng và trên phạm vi cả nước chứ không riêng Hà Nội. Điều đó cho thấy không thể chặn đứng ngay vi phạm, nhưng bằng nhiều giải pháp, phải lấp các “lỗ hổng” để kiên quyết kéo giảm tình trạng này.

Giải pháp căn cốt nhất vẫn nằm ở hệ thống pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực này. Vấn đề là làm sao để các quy định không mâu thuẫn, chồng chéo nhau; quy định phải mang tính tiên lượng, đủ sức răn đe. Những tình tiết chống đối, gây khó khăn khi lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm phải được xử lý nghiêm minh, là tình tiết tăng nặng để xóa bỏ tư tưởng xem thường quy định pháp luật của không ít tài xế hiện nay.

Bên cạnh đó, quy định “buộc phải khắc phục vi phạm, thu dọn vật liệu, rác, chất phế thải và khôi phục lại tình trạng ban đầu...; nếu gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện các biện pháp khắc phục...” (Điều 20, Nghị định 171/2013/ NĐ-CP ngày 13-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) cần được áp dụng triệt để. Đặc biệt, nên truy cả trách nhiệm của những người liên quan (nếu có) như chủ xe, chủ doanh nghiệp... chứ không riêng người điều khiển phương tiện... Về phía cán bộ thực thi công vụ, nếu không hoàn thành nhiệm vụ, có biểu hiện “bảo kê” vi phạm cũng phải kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định.

Để những quy định của pháp luật trong lĩnh vực này đi vào cuộc sống, không thể thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành như Công an, Xây dựng, Giao thông - Vận tải, Tài nguyên và Môi trường... Sự đồng bộ này không chỉ thể hiện trong lịch trình kiểm tra, giám sát mà cả trong thực hiện nhiệm vụ, cùng tìm giải pháp hạn chế vi phạm phát sinh.

Đặc thù của loại hình vận tải là không giới hạn về không gian, thời gian. Do đó, để ngăn chặn vi phạm từ gốc, các quy định trên cần được thực hiện đồng bộ trong cả nước để bảo đảm sự thống nhất, bình đẳng cũng như góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải. Đặc biệt, lực lượng chức năng không nên kiểm tra theo phong trào hay những đợt ra quân ngắn ngủi, mà cần làm thường xuyên, liên tục để hoạt động vận chuyển phế thải, vật liệu xây dựng đi vào nền nếp... 

Minh Thúy