Mạng di động ảo gia nhập thị trường: Người dùng thêm lợi

Xe++ - Ngày đăng : 07:58, 27/05/2019

(HNM) - Sự xuất hiện của mạng di động ảo Đông Dương cuối tháng 4 vừa qua ít nhiều gây sự chú ý. Trong khi đó, nhiều thông tin cho thấy sẽ có thêm các nhà mạng ảo nữa chuẩn bị khai thác.


Mạng di động ảo (Mobile Virtual Network Operator-MVNO) là nhà mạng không sở hữu hạ tầng mạng lưới mà đi thuê của các doanh nghiệp có hạ tầng để cung cấp dịch vụ di động tới khách hàng. Một nhà cung cấp mạng di động ảo bước vào thị trường với việc thỏa thuận với một nhà mạng di động để mua lưu lượng truy cập dịch vụ mạng với giá cả gói, sau đó cung cấp dịch vụ với giá bán lẻ riêng. Mạng di động ảo xuất hiện đầu tiên từ những năm 1990, bắt đầu tại thị trường châu Âu và đến nay mô hình này là phổ biến tại các quốc gia trên thế giới.

Mạng di động ảo Đông Dương Telecom đã chính thức góp mặt trên thị trường.


Tại Việt Nam, cái tên “mạng di động ảo” không phải xa lạ khi năm 2009, cơ quan quản lý nhà nước đã cấp phép cho Công ty cổ phần Viễn thông Đông Dương (Indochina Telecom) cung cấp dịch vụ di động không tần số (còn gọi là mạng di động ảo).

Tuy nhiên, đến cuối năm 2012, do chưa triển khai dịch vụ, Đông Dương bị Bộ Thông tin và Truyền thông thu hồi giấy phép. 10 năm sau, đến ngày 25-4-2019 mạng di động ảo Đông Dương chính thức xuất hiện trên thị trường với đầu số 087 (itelecom) bằng việc hợp tác với Tập đoàn VNPT để sử dụng hạ tầng mạng VinaPhone.

Hiện, mạng 087 mới chỉ cung cấp ở 9 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Long An và Đồng Nai với mục tiêu hướng tới 15 triệu công nhân tại các khu công nghiệp trong cả nước.

Như vậy, việc có thêm mạng di động ảo Đông Dương gia nhập, thị trường viễn thông di động đã có 6 nhà khai thác đang hoạt động, trong đó 5 nhà mạng có hạ tầng gồm: MobiFone, VinaPhone, Viettel, Vietnamobile, Gtel. Về đối tượng khách hàng là 15 triệu công nhân tại các khu công nghiệp mà Đông Dương hướng tới, từ nhiều năm trước đây, các nhà mạng, đặc biệt là 3 nhà cung cấp MobiFone, VinaPhone, Viettel đã có hàng loạt chương trình, gói cước cạnh tranh quyết liệt phân khúc khách hàng này.

Do vậy, để “giành giật” khách hàng từ đối thủ, Đông Dương phải có giá rẻ hơn, chính sách chăm sóc khách hàng và có tiện ích, dịch vụ giá trị gia tăng phải tốt hơn! Ở góc độ tiêu dùng, có thêm nhà cung cấp, thêm sự cạnh tranh, khách hàng càng hưởng lợi.

Song giữa một thị trường vốn đã bão hòa với 133 triệu thuê bao di động (tính đến hết quý I-2019) - nhiều hơn số dân; thêm nữa, do phải thuê lại hạ tầng của mạng khác, đồng nghĩa với việc phụ thuộc hoàn toàn vào chất lượng mạng của đối tác... thì bên cạnh cơ hội, thách thức trong việc “hút” thuê bao không phải dễ!

Tuy nhiên, chỉ sau khi Đông Dương ra mắt một thời gian ngắn, Tập đoàn VNPT cho biết đã đạt được thỏa thuận với một đối tác đến từ Malaysia chuẩn bị cung cấp “mạng di động ảo”. Như vậy, VNPT sẽ trở thành nhà cung cấp “bán sỉ” dung lượng cho đối tác thứ hai triển khai “mạng di động ảo”.

Chưa hết, mới đây, ông Nguyễn Đăng Nguyên - Phụ trách chức vụ Tổng Giám đốc MobiFone cũng tiết lộ, một đối tác là doanh nghiệp công nghệ trong nước đang đàm phán với MobiFone để hợp tác cung cấp “mạng di động ảo”. Từ các thông tin này cho thấy, thị trường vẫn còn cơ hội cho các nhà khai thác di động, nhất là với các “mạng di động ảo”.

Có tới 6 nhà mạng đang khai thác, dự kiến sẽ thêm các “mạng di động ảo” nữa, liệu thị trường có quá nhiều nhà khai thác cạnh tranh khiến thị trường phát triển thiếu bền vững? Ông Nguyễn Đức Trung - Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều có quy hoạch phát triển thị trường viễn thông và trong đó, chỉ giới hạn cấp phép cho nhà mạng có hạ tầng.

Còn với mạng di động không tần số, cơ quan quản lý không giới hạn cấp phép, mà thực tế các nước trên thế giới có nhiều nhà cung cấp “mạng di động ảo” cùng hoạt động. Do vậy, việc Đông Dương, hoặc sắp tới là các “mạng di động ảo” hợp tác với VNPT, MobiFone hoạt động là bình thường để cùng cạnh tranh, đem lại lợi ích cho người dùng.

Việt Nga