Siết chặt đạo đức, kỷ luật công vụ

Xây & Chống - Ngày đăng : 06:11, 27/05/2019

(HNM) - Trong khi cả cỗ máy hành chính đang tích cực chuyển động theo hướng sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thì việc siết chặt đạo đức, kỷ luật công vụ là rất cần thiết.


1. UBND thành phố Hà Nội giao giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ dài ngày. Thành phố cũng yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức chấp hành nghiêm các quy định, quy trình, thủ tục xét duyệt, quản lý cán bộ đi nước ngoài. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Thành ủy, UBND thành phố về toàn bộ công tác này…

Đó là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm tháng 5-2019, được thống nhất tại hội nghị giao ban kiểm điểm kết quả công tác tháng 4, triển khai nhiệm vụ tháng 5-2019 của UBND thành phố Hà Nội mới đây.

Tuy không nêu con số cụ thể của những biểu hiện nêu trên nhưng cũng phần nào là sự cảnh báo về tình trạng buông lỏng quản lý, buông lỏng đạo đức, kỷ luật công vụ đang diễn ra ở một số đơn vị, địa phương thuộc Hà Nội, đòi hỏi phải có giải pháp chấn chỉnh kịp thời.

Bởi hiện nay, các cơ quan hành chính đang tích cực triển khai Nghị quyết số 39-NQ/TƯ, ngày 17-4-2015, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”; Nghị quyết số 18-NQ/TƯ, ngày 25-10-2017, của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Với việc thực hiện quyết liệt hai nghị quyết trên, vị trí việc làm của mỗi cá nhân trong hệ thống cơ quan hành chính đã được thành phố Hà Nội định danh rõ ràng qua đề án vị trí việc làm, gắn với “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả), nên chỉ một “mắt xích” chệch choạc, có thái độ làm việc thiếu nghiêm túc… là cả dây chuyền bị ảnh hưởng.

Xét tận cùng, nếu một “mắt xích” nghỉ dài ngày, cáo ốm, không hết mình với nhiệm vụ được giao… thì những người khác sẽ phải làm thay, gánh vác thay. Tình trạng kéo dài sẽ tác động tiêu cực đến chất lượng công việc và sự vận hành ổn định của hệ thống hành chính của Thủ đô. Ở chiều ngược lại, nếu có người nghỉ dài ngày mà không ảnh hưởng gì lớn tới công việc chung - thì rõ ràng nhân sự này thuộc diện dôi dư và việc sắp xếp, tinh giản biên chế ở đơn vị đó chưa đạt yêu cầu.

Trên bình diện cả nước, việc cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính đang có diễn biến phức tạp. Gần đây nhất là trường hợp ông Hoàng Như Cương (Phó Trưởng ban Quản lý dự án đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh) đã bị cảnh cáo về Đảng vì đi nước ngoài khi chưa được sự cho phép của cấp trên là điển hình.

Song đó là trường hợp dấu hiệu vi phạm đã rõ. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để xử lý cho được cả với những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đùn đẩy trách nhiệm, “chân ngoài dài hơn chân trong”; tìm cách thoái thác trách nhiệm bằng việc cáo ốm, xin nghỉ phép dài ngày… là câu chuyện không dễ.

2. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (tháng 10-1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: Năng lực của mỗi người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có, mà một phần lớn do công tác, do tập luyện mà có...

Thời gian qua, Nghị quyết số 39-NQ/TƯ và Nghị quyết số 18-NQ/TƯ với các nội dung như đã nêu ở trên có tác động đến nhiều tổ chức, cá nhân và về cơ bản đã mang lại hiệu ứng tích cực cho sự vận hành của một bộ máy “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”.

Với Hà Nội, điều này lại càng thấm thía khi việc sắp xếp tổ chức bộ máy đã giảm được nhiều tầng nấc trung gian. Công cuộc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã được tiến hành thực chất, hiệu quả. Khung năng lực vị trí việc làm được xác định góp phần lựa chọn, bố trí đúng người, đúng việc, đồng thời giúp thúc đẩy thực thi nhiệm vụ, đánh giá chất lượng công vụ sát hơn, chính xác hơn.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trọng đại theo tinh thần của Nghị quyết số 39-NQ/TƯ và Nghị quyết số 18-NQ/TƯ không thể không có những phản ứng, va chạm, thậm chí là xung đột, mâu thuẫn, trong đó đáng chú ý là hiện tượng “phản ứng ngầm”, né tránh sự phân công của tổ chức bằng cách lúc có nhiệm vụ quan trọng thì cáo ốm, xin nghỉ dài ngày…

Đối chiếu với Nghị quyết số 04-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; thì việc né tránh nhiệm vụ, sự phân công, sa sút ý chí phấn đấu… là một trong những biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị. Vì thế, nếu không được nhận diện, xử lý kịp thời thì từ suy thoái tư tưởng chính trị dẫn đến "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là bước ngắn.

Gần gũi, dễ hiểu hơn, nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” được tổ chức ngày 19-5 vừa qua: Văn hóa công sở là “không bỏ bê công việc, không ăn lạm từng giây, từng phút, từng đồng thuế của người dân; từ làm hết giờ sang làm hết việc; xóa bỏ văn hóa “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”…

Luật Cán bộ, công chức cũng đã quy định rõ những việc cán bộ, công chức không được làm liên quan đến đạo đức công vụ như: Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao… Bởi thế, yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định công vụ, nhiệm vụ chức trách mỗi cá nhân... chính là giải pháp hữu hiệu nhất để khắc phục tình trạng này.

Đi đôi với đó, cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về nghĩa vụ và quyền của cán bộ, công chức theo các loại hình cơ quan: Lập pháp, hành pháp, tư pháp; theo các cấp hành chính: Trung ương, địa phương, cơ sở; theo các vị trí công chức: Lãnh đạo, quản lý; tham mưu; thừa hành... Hoàn thiện các quy định hướng dẫn về tiêu chuẩn và phương pháp xác định vị trí việc làm phù hợp với từng loại hình cơ quan, đơn vị gắn với xây dựng những quy định cụ thể về văn hóa công sở.

Cấp ủy Đảng cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; cùng với phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân, các đoàn thể chính trị - xã hội để kịp thời chỉ rõ bản chất của cá nhân tìm cách thoái thác trách nhiệm, né tránh sự phân công. Làm tốt việc này là góp phần xây dựng bộ máy hành chính chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với vai trò lãnh đạo được nhân dân giao phó.

Thế Đan