Đẩy mạnh triển khai ứng dụng IPv6 trong cơ quan nhà nước
Xe++ - Ngày đăng : 17:06, 28/05/2019
Theo thông tin từ Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), cơ quan thường trực Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, với tốc độ tăng trưởng trung bình 200%/năm, tỷ lệ truy cập internet qua IPv6 trên toàn cầu đã đạt 26% vào cuối tháng 4-2019. Dự báo, đến năm 2020, tỷ lệ ứng dụng IPv6 trên toàn cầu sẽ đạt khoảng 50% và giao thức IPv4 sẽ dần ngừng hoạt động.
Hiện nay, tỷ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đạt 35,32% với hơn 8,6 triệu thuê bao cáp quang và 8,5 triệu thuê bao di động sử dụng IPv6. Với kết quả này, Việt Nam đứng thứ 7 trên toàn thế giới, thứ 4 khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đứng thứ 2 khu vực ASEAN.
Bản kế hoạch thúc đẩy triển khai IPv6 năm 2019 do Bộ TT- TT ban hành cũng xác định rõ một số mục tiêu chính, trong đó có thúc đẩy ứng dụng IPv6 trong cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nội dung số; mở rộng triển khai IPv6 trên mạng dịch vụ di động 4G LTE/5G; thúc đẩy triển khai IPv6 cho hệ thống máy chủ tên miền (DNS) của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet; triển khai hỗ trợ IPv6 trong hệ thống máy chủ tên miền và hệ thống cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền “.VN” của các nhà đăng ký; tiếp tục thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi hoàn toàn IPv6 cho thuê bao internet cáp quang (FTTH)...
Mặc dù dịch vụ IPv6 đã được các doanh nghiệp triển khai rộng rãi, song đến nay mức độ ứng dụng triển khai IPv6 trong khối cơ quan nhà nước còn hạn chế. Trong khi người sử dụng internet tại Việt Nam đã chuyển sang kết nối internet qua IPv6, phần lớn các cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước vẫn duy trì sử dụng IPv4.
Theo khảo sát của Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, trong số khoảng 6.000 website dưới tên miền “.VN” đang hoạt động tốt với IPv6, mới có 61 website của khối cơ quan nhà nước.
Bộ TT-TT đã đề nghị tăng cường hoạt động triển khai ứng dụng IPv6 trên mạng lưới, dịch vụ của đơn vị, thông qua các hoạt động như: Xây dựng đề án chuyển đổi IPv6 trong hạ tầng mạng lưới, dịch vụ phù hợp với kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 và phù hợp với kế hoạch phát triển chính phủ điện tử, thành phố thông minh tại địa bàn; bổ sung hạng mục IPv6 trong các đề án ứng dụng CNTT; đầu tư, mua sắm các thiết bị mới có hỗ trợ công nghệ IPv6; yêu cầu hỗ trợ IPv6 đối với các dịch vụ ứng dụng CNTT thuê ngoài…
Bên cạnh đó, Bộ TT-TT cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện kích hoạt hỗ trợ IPv6 trên website chính và cổng thông tin điện tử của đơn vị; triển khai chuyển đổi mạng lưới và dịch vụ sang hỗ trợ IPv4/IPv6, đặc biệt là triển khai IPv6 trong hệ thống chính phủ điện tử và mạng lưới cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.