Cân nhắc thận trọng trường hợp tạm hoãn xuất cảnh
Đời sống - Ngày đăng : 18:22, 28/05/2019
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội). |
Thảo luận tổ, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội) đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng là người có nghĩa vụ đóng BHXH.
“Hiện đã có quy định về đối tượng là người có nghĩa vụ đóng thuế có thể bỏ trốn, nhưng trên thực tế cần phải quy định thêm người có nghĩa vụ đóng BHXH có thể bỏ trốn. Trường hợp này thời gian vừa qua diễn ra cũng nhiều, ở nhiều địa phương. Một số doanh nghiệp sau một thời gian làm ăn kinh doanh ở Việt Nam gặp khó khăn, hoặc hoàn toàn không khó khăn, nhưng sau đó chủ doanh nghiệp bỏ trốn. Do đó, trong các đối tượng cấm xuất cảnh, cần lưu ý đối tượng này”- đại biểu Ngọ Duy Hiểu đề nghị.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu nêu ví dụ về trường hợp trước Tết Nguyên đán 2018, Giám đốc Công ty Texwell Vina (Đồng Nai) là người Hàn Quốc đã bỏ trốn khiến gần 2.000 công nhân chưa được nhận tháng lương cuối năm.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, cần cân nhắc thận trọng với trường hợp tạm hoãn xuất cảnh khi có đơn tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định tình nghi thực hiện phạm tội và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh). |
Ngoài ra, đại biểu Nghĩa cũng nhấn mạnh đây là quyền hiến định của công dân nên người bị tạm hoãn xuất cảnh có quyền khởi kiện hành chính với các quyết định sai.
Chung mối quan tâm này, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương (Đoàn Hưng Yên) nêu quan điểm phải nghiên cứu lại quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự để đạt đúng theo quy định pháp luật về các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh.
Về quy định người bị tạm hoãn xuất cảnh vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan truyền nhiễm, theo Thứ trưởng Bộ Công an, quy định này còn chung chung và cần được xem xét kỹ, không gây ảnh hưởng đến quyền được đi chữa bệnh của người bệnh.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng, dự án luật phải xử lý được những trường hợp mà dư luận rất quan tâm. Đại biểu lấy dẫn chứng trong những vụ án như vụ Trịnh Xuân Thanh... khi người có liên quan vẫn xuất cảnh, bỏ trốn.
Đại biểu Lê Thị Thu Hồng (Đoàn Bắc Giang). |
Đại biểu Lê Thị Thu Hồng (Đoàn Bắc Giang) cũng cho rằng, dự án luật cần quy định nội dung theo hướng khắc phục được tồn tại trong công tác xuất cảnh, nhập cảnh nhằm ngăn chặn các đường dây tội phạm tổ chức đưa người trái phép ra nước ngoài, tình trạng ra nước ngoài rồi trốn ở lại không về, dẫn đến việc công dân bị trục xuất, ảnh hưởng đến mối quan hệ ngoại giao.
Trước phiên thảo luận, tại báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt đã khẳng định, đối với quy định về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh này, Ủy ban đề nghị tiếp tục nghiên cứu để quy định cụ thể, chặt chẽ hơn, tránh lạm dụng, áp dụng tùy tiện.
Cần nêu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân Việt Nam khi ra nước ngoài Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Đoàn Hà Nội) cho rằng, luật cần và nêu rõ trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của công dân Việt Nam khi xuất cảnh ra nước ngoài. Họ không chỉ tuân thủ luật pháp nước sở tại mà phải gìn giữ văn hóa, bản sắc người Việt Nam; có trách nhiệm tuyên truyền giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam chứ không phải ăn mặc hay có hành động phản cảm, gây ảnh hưởng đến hình ảnh con người Việt Nam. “Trường hợp vừa qua như Đoàn Thị Hương (bị tòa án Malaysia tuyên án 3 năm 4 tháng tù về tội cố ý gây thương tích bằng hung khí hoặc cách thức nguy hiểm, song được xét giảm án trước thời hạn – PV) khi trở về Việt Nam đã ứng xử như một “ngôi sao” thì trách nhiệm của công dân này ra sao? phải xử lý như thế nào?”, đại biểu đặt câu hỏi. Do đó, theo đại biểu Hưng, dự án luật phải làm rõ vấn đề này; đồng thời phải nêu ra trách nhiệm, quyền hạn đầy đủ của các cơ quan liên quan như Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng... |