Hơn 48% đại biểu đồng ý cho phạm nhân lao động ngoài trại giam
Đời sống - Ngày đăng : 10:40, 29/05/2019
Các đại biểu làm việc tại hội trường sáng 29-5. |
Theo đó, để có cơ sở bổ sung, chỉnh lý vào dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thống nhất xin ý kiến các dại biểu về hai nội dung.
Nội dung 1 về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân được quy định tại khoản 3 điều 27 của dự án Luật. Tại báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, UBTVQH cho biết đã chỉ đạo nghiên cứu, chỉnh lý theo hướng rà soát, bổ sung một số quy định liệt kê các quyền cơ bản của phạm nhân.
Đối với quy định mang tính nguyên tắc, theo hai loại ý kiến của đại biểu Quốc hội thì có những ưu, nhược điểm riêng. Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị quy định, phạm nhân chỉ được hưởng các quyền trong Luật Thi hành án hình sự.
Quy định này có ưu điểm là bảo đảm tính cụ thể, minh bạch của pháp luật, thể hiện rõ phạm vi áp dụng (chỉ những quyền được quy định trong Luật Thi hành án hình sự thì phạm nhân mới được hưởng) và bảo đảm thực hiện thống nhất.
Tuy nhiên, hạn chế của quy định này là không bao quát hết các quyền mà phạm nhân được hưởng quy định trong các luật chuyên ngành khác. Ngoài các quyền liên quan trực tiếp đến chế độ chấp hành án như ăn, mặc, ở, thăm gặp, lao động, học tập, thì phạm nhân còn có rất nhiều quyền khác quy định trong các luật chuyên ngành mà không thể liệt kê hết được, như quyền được xét đặc xá theo Luật Đặc xá; quyền được xem xét, giải quyết chế độ trong trường hợp tai nạn lao động… Nên thực tiễn khi phát sinh các trường hợp phải cho phạm nhân được hưởng các quyền này thì không có căn cứ pháp lý để giải quyết.
Loại ý kiến thứ hai, đề nghị quy định phạm nhân được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi các luật có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang chấp hành án tại cơ sở giam giữ.
Ưu điểm của quy định này là bao quát đầy đủ các quyền phạm nhân được hưởng theo quy định của luật này và các luật liên quan, bảo đảm tính khả thi trong quá trình tổ chức thực hiện. Trường hợp điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện giam giữ được cải thiện thì các quyền của phạm nhân sẽ được mở rộng từng bước mà không bị giới hạn bởi Luật, không dẫn tới việc phải sửa Luật mới thực hiện được.
Hiện nay, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam cũng đang quy định theo hướng này. Trong quá trình chỉnh lý, Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đều thống nhất đề nghị lựa chọn quy định theo phương án này. Tuy nhiên, nhược điểm của quy định này là thiếu cụ thể, có thể khó khăn cho thực tiễn thi hành.
Do đại biểu còn có ý kiến khác nhau và mỗi phương án đều có ưu, nhược điểm riêng, nên UBTVQH trình xin ý kiến Quốc hội về 2 phương án:
Phương án 1: Quy định “Phạm nhân có quyền và nghĩa vụ khác theo quy định tại luật này”.
Phương án 2: Quy định “Phạm nhân được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi các luật có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang chấp hành án tại cơ sở giam giữ”.
Qua bấm nút, có 410 đại biểu tham gia ý kiến. Số đại biểu đồng ý là 269 (chiếm 55,58%). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu, theo quy định, khi phương án 1 được đa số đại biểu đồng ý thì không biểu quyết phương án 2.
Ý kiến này của các đại biểu sẽ được tiếp thu để chỉnh lý dự án Luật.
Nội dung thứ 2 xin ý kiến đại biểu về quy định tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam, được quy định tại Điều 33 dự thảo Luật.
Có 424 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, trong đó số đại biểu đồng ý là 234 (chiếm 48,35%); số đại biểu không đồng ý 180 (chiếm 37,19%) và 10 đại biểu không tham gia ý kiến (2,07%). Như vậy, số đại biểu đồng ý và không đồng ý đều chưa đến 50%.
Theo chương trình kỳ họp, toàn bộ dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) sẽ được xem xét thông qua vào ngày làm việc cuối cùng (14-6).