Cần đầu tư, phát triển hệ thống cảng biển đúng quy luật thị trường
Kinh tế - Ngày đăng : 20:17, 29/05/2019
Quang cảnh toạ đàm. |
Việt Nam là quốc gia có vùng biển rộng lớn với diện tích trên 1 triệu km2, đường bờ biển dài trên 3.200 km và hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ nằm trải dọc theo chiều dài đất nước. Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9-2-2007 về chiến lược biển Việt Nam xác định đến năm 2030 đưa đất nước trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.
Chính nhờ biết tận dụng tiềm năng, cơ hội lợi thế là quốc gia có vùng biển rộng, bờ biển dài nên đến nay việc xây dựng và phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đã hình thành 6 nhóm, bao gồm: 3 cảng trung chuyển và cửa ngõ quốc tế, 11 cảng đầu mối khu vực, 21 cảng địa phương và một số cảng chuyên dụng, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế biển cũng như phát triển kinh tế cho cả ba vùng kinh tế trọng điểm Bắc - Trung - Nam. Hệ thống cảng biển Việt Nam thông qua đến 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế đất nước…
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam xứng tầm, điều quan trọng là phải tạo được sự kết nối giữa các loại hình vận tải đa phương thức như đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa. Cùng với đó là quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, quy hoạch hạ tầng, quy hoạch dân cư - đô thị... một cách hợp lý, đồng bộ.
Chuyên gia Trần Đình Thiên (Viện Kinh tế Việt Nam) nhấn mạnh, nước ta có lợi thế đặc biệt về mặt địa lý, địa hình tự nhiên để phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, cần tránh đầu tư dàn trải, lợi ích quốc gia phải được đặt lên trước tiên. Những vùng kinh tế trọng điểm cần được đầu tư một cách hợp lý.
"Đầu tư phải đứng trên lập trường phát triển theo đúng quy luật kinh tế thị trường; không thể đầu tư theo kiểu chia đều mà cần hình thành các cực tăng trưởng, “cực lớn” là đầu tàu cho sự phát triển. Trong hệ thống quy hoạch cần có quy chế đầu tư tốt, phân bổ nguồn lực hợp lý, đúng quy luật…", ông Trần Đình Thiên khẳng định.