San lấp trái phép lòng sông Hồng: Cần xử lý nghiêm, dứt điểm
Đời sống - Ngày đăng : 08:47, 30/05/2019
Bài đầu: Ngang nhiên... lấp sông
Sông Hồng chảy qua địa bàn nhiều quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội. Trong đó, những năm gần đây, lợi dụng lạch sông cạn, một phần diện tích bãi bị bỏ hoang nên một số hộ dân ở 4 quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng có sông Hồng chảy qua đã ngang nhiên đổ phế thải xây dựng lấp lạch sông để trồng cây, dựng lều lán, thậm chí xây dựng công trình kiên cố, gây bức xúc với dư luận.
Nhiều "điểm nóng" vi phạm
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, đoạn sông Hồng chảy qua địa bàn 4 quận kể trên có chiều dài hơn 14km (từ K56 140 đến K70+500) do Hạt Quản lý đê số 2 quản lý. Thời gian qua, tình trạng lấn chiếm bờ bãi sông Hồng xây dựng công trình kiên cố, dựng lều lán... ở các quận này diễn ra khá phổ biến, trong đó khu vực quận Tây Hồ là nghiêm trọng nhất.
Vi phạm đổ đất, phế thải dọc sông Hồng, cuối ngõ 76 An Dương (quận Tây Hồ). |
Tại quận Tây Hồ, dễ nhận thấy là tình trạng biến dạng của lạch sông qua địa bàn 2 phường Yên Phụ và Tứ Liên với hàng chục điểm phế thải đổ trực tiếp xuống khiến dòng chảy bị thu hẹp. Đặc biệt, tại khu vực cuối ngõ 310 Nghi Tàm (phường Tứ Liên), sau khi có mặt bằng từ việc đổ phế thải, một số hộ đã san gạt, dựng lều lán để ở, đặt cây cảnh.
Ngoài ra, tại đây tồn tại nhiều đống phế thải cao 3-5m. Để che mắt lực lượng chức năng, một số hộ dân đã dựng hàng rào tôn, khóa trái cửa phần đất lấn chiếm, mỗi khi có xe chở phế thải đến, cửa mới được mở ra. Từ đây nhìn về phía thượng nguồn, phóng viên đếm được hàng chục điểm đổ phế thải với quy mô lớn và đều được các hộ san gạt ra phía lòng sông, tạo mặt bằng để sử dụng.
Cuối ngõ 76 An Dương, giáp ranh giữa hai phường Tứ Liên và Yên Phụ, từ lâu cũng trở thành “điểm nóng” đổ phế thải lấn chiếm đất bãi để dựng lều, lán, nhà tạm. Đáng nói, ngay cả khi các lực lượng chức năng đang tiến hành ra quân xử lý vi phạm theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố thì hằng ngày khu vực này vẫn xuất hiện những chiếc xe máy, xe ba bánh… chở phế thải đổ ra bờ sông.
Bà Nguyễn Thị Thịnh, phường Yên Phụ cho biết: “Vi phạm đổ trộm phế thải thường xảy ra vào buổi tối và ban đêm. Các xe đổ phế thải tiến thẳng vào nhánh sông Hồng và cứ "bồi đắp" dần...”.
Không chỉ đổ phế thải "lấp" sông, khu vực cuối các ngõ trong Khu tập thể F361 An Dương (phường Yên Phụ) còn tồn tại “điểm nóng” lấn chiếm đất bãi sông, xây dựng công trình kiên cố. Vi phạm diễn ra từ lâu, nhưng ngày 22-5-2019, UBND phường Yên Phụ mới lập biên bản vi phạm hành chính đối với 5 trường hợp xây dựng trái phép, lấn chiếm bãi sông Hồng với diện tích từ 65 đến 189m2/công trình.
Ngoài ra, tại vị trí tương ứng với đê hữu Hồng (đoạn K59+020), phường Phú Thượng cách bờ sông 70m, hay các ngõ 124, 172 Âu Cơ… cũng xảy ra nạn đổ trộm phế thải với khối lượng lớn, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý.
Khảo sát dọc sông Hồng qua địa bàn các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng cho thấy, mặc dù một số phường đã dựng hàng rào ngăn cách nhà dân với phần đất lưu không giáp sông Hồng để chống đổ trộm phế thải, chống lấn chiếm...
Tuy nhiên, ngay cả khi những hàng rào được dựng lên thì việc đổ trộm rác, phế thải vẫn khó kiểm soát nếu chính quyền “lơ là”. Đơn cử, đoạn từ ngõ 75 đến 133 phố Nghĩa Dũng, phường Phúc Xá (quận Ba Đình), người dân vẫn vứt rác bừa bãi, chất thành đống phía sau hàng rào.
Tương tự, tại cuối ngõ 695, phố Bạch Đằng, phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) bờ vở sông Hồng tồn tại 1 lượng lớn phế thải xây dựng mặc dù tại đây có cắm biển cấm đổ phế thải... Hay tại phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng), quan sát từ trên cầu Vĩnh Tuy xuống ven bờ sông Hồng vẫn còn tồn đọng một lượng phế thải chưa được xử lý triệt để, nhìn rất nhếch nhác.
Vì sao vẫn tái phạm?
Đánh giá nguyên nhân vi phạm, đại diện UBND các quận đều thừa nhận là do chính quyền sở tại thiếu quyết liệt trong kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng, dẫn đến sai phạm ngày càng phức tạp. Một nguyên nhân khác, do dân cư sống dọc bờ sông, có nhiều ngõ nhỏ, nên các đối tượng đã đổ trộm phế thải vào ban đêm, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý.
Ví dụ, tại cuối ngõ 76 An Dương, địa bàn giáp ranh 2 phường Yên Phụ và Tứ Liên, có một con đường mòn đi qua lạch ra bãi giữa sông Hồng - nơi có nhiều hộ dân quận Long Biên trồng rau màu. Lợi dụng đường đi thuận lợi nên một số người đã đổ đất lấp một phần lạch sông dựng lều lán để ở. Mặc dù UBND các phường đã phối hợp cắm cọc ở đoạn đầu đường ra bãi giữa, nhưng do vẫn phải bảo đảm việc vận chuyển nông sản của nhân dân từ bãi giữa lên đường An Dương nên biện pháp này chưa phát huy hiệu quả.
Ngoài ra, cán bộ chuyên trách của địa phương và cơ quan chức năng mỏng, chủ yếu làm việc giờ hành chính, các đối tượng lại chở phế thải bằng xe nhỏ, đổ trộm ngoài giờ hành chính nên việc phát hiện kịp thời để xử lý rất khó.
Trao đổi với phóng viên về những vi phạm kéo dài từ nhiều năm qua, ông Hoàng Văn Sáng, Chủ tịch UBND phường Yên Phụ cho biết, UBND phường đã nhiều lần đề nghị Công an phường triển khai các biện pháp như mật phục, tăng cường tuần tra, lập các chốt ngăn chặn để xử lý vi phạm…
Ngoài ra, UBND phường đã thuê máy ủi san gạt các “núi” phế thải, tiến hành rào dây thép gai ở các “điểm nóng” nhưng chỉ thời gian ngắn các đối tượng lại phá hàng rào để đổ trộm phế thải. Với các hộ dựng lều, lán… sau khi lực lượng chức năng tháo dỡ vi phạm, vài hôm sau họ lại dựng lại...
Theo ông Bùi Quang Khải, Chủ tịch UBND phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng), từ cuối năm 2018 đến nay, UBND phường liên tục ra quân kiểm tra, xử lý nạn đổ phế thải xuống sông Hồng, song do nạn đổ phế thải diễn ra quá lâu, một số đoạn phế thải bị trút xuống sát mép nước, quá sâu nên không thể xử lý triệt để vi phạm được.
Ông Vũ Văn Ảnh, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê số 2 cho biết, từ nhiều năm nay, sau khi phát hiện vi phạm dọc tuyến sông, Hạt đều lập biên bản và đình chỉ vi phạm, báo cáo chính quyền địa phương xử lý theo thẩm quyền. Tuy nhiên, do các địa phương thiếu quyết liệt, xử lý không triệt để nên vi phạm tồn tại đến hôm nay.
(Còn nữa)