Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm gia tăng vào mùa hè
Xã hội - Ngày đăng : 07:34, 31/05/2019
Nhiều tác nhân gây ngộ độc
Đề cập đến nguy cơ gia tăng các vụ ngộ độc thực phẩm trong mùa hè, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, ngộ độc thực phẩm có thể do nguyên nhân sinh học, hóa học và lý học, trong đó nguyên nhân sinh học mà cụ thể vi khuẩn gây bệnh là chủ yếu. Thời tiết vào hè, trời oi nóng, cơ thể mệt mỏi, sức đề kháng giảm trong khi thức ăn dễ bị ôi thiu, biến chất là điều kiện rất lý tưởng cho vi sinh vật phát triển gây bệnh. Do đó, chỉ cần sơ suất trong chế biến và bảo quản thực phẩm là có thể dẫn đến ngộ độc.
Nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố không bảo đảm vệ sinh là rất cao. Ảnh: Thu Trang |
Còn theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), nguyên nhân xảy ra ngộ độc thực phẩm có thể đến ở tất cả các khâu, từ lựa chọn nguyên liệu, sơ chế, chế biến, cho đến bảo quản, bày bán thực phẩm. Đối với quá trình lựa chọn nguyên liệu đầu vào, thực phẩm không bảo đảm nguồn gốc, tồn dư hóa chất độc hại từ khi thu hoạch là mối nguy cơ gây ngộ độc mạn tính.
Mặt khác, nguy cơ ngộ độc cấp tính đến từ chính các độc tố tự nhiên sinh ra trong thực phẩm. Chẳng hạn, các độc tố tự nhiên, hay độc tố trong nấm mốc đều có thể gây ngộ độc. Hay vi khuẩn, độc chất cũng có thể sinh ra từ thực phẩm kém chất lượng, ôi thiu mà người bán hàng ham rẻ vẫn mua về chế biến. Các vi khuẩn gây bệnh được phát hiện nhiều nhất trong thực phẩm không bảo đảm an toàn, đó là vi khuẩn Salmonella (vi khuẩn đường ruột), tụ cầu trùng vàng Staphylococcus aureus, vi khuẩn hình que Clostridium perfringens, vi khuẩn E.coli…
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, ngoài yếu tố mất an toàn do nguyên liệu đầu vào không được kiểm soát, nguy cơ gây ngộ độc của thực phẩm còn tăng thêm do hóa chất độc hại cũng có thể được sử dụng trong quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm. Chẳng hạn, các loại phụ gia thực phẩm tạo mùi, tạo màu, hương liệu... có thể được sử dụng bất chấp liều lượng, thành phần. Thậm chí, nhiều trường hợp hóa chất công nghiệp được sử dụng thay thế phụ gia thực phẩm.
Thêm vào đó, khâu bảo quản thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Chẳng hạn, có những thực phẩm, thức ăn cho dù đã được nấu chín nhưng qua kiểm tra lại xuất hiện vi khuẩn gây bệnh nguy hại. Lý do là vì việc bày bán thực phẩm ngoài trời, không che đậy hoặc che đậy không bảo đảm, không có phương pháp bảo quản lạnh… khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu, nhiễm vi khuẩn, dính bụi bẩn từ đường phố.
Không nương tay với vi phạm
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong tháng 4 và tháng 5-2019, toàn thành phố đã tiến hành kiểm tra được hơn 18.000 cơ sở thực phẩm, trong đó số cơ sở đạt tiêu chuẩn là hơn 15.000 cơ sở (chiếm tỷ lệ 82%) và gần 3.000 cơ sở vi phạm. Cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính gần 1.200 cơ sở với số tiền hơn 4,1 tỷ đồng và đóng cửa 52 cơ sở.
Các lỗi vi phạm thường gặp là nơi kinh doanh, bày bán, bảo quản thực phẩm bị côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không bảo đảm vệ sinh; người trực tiếp chế biến thức ăn không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay… Ngoài ra, 133 cơ sở với 71 loại sản phẩm bị tiêu hủy là thực phẩm không nguồn gốc, rau củ tồn dư chất bảo quản…
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, kiến thức của người sản xuất, kinh doanh, chế biến và người tiêu dùng thực phẩm đang được nâng cao đáng kể, song “thực hành đúng” về an toàn thực phẩm còn hạn chế. Từ nay đến cuối năm, nhất là vào mùa hè khi nguy cơ ngộ độc thực phẩm gia tăng, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm sẽ được tăng cường từ thành phố đến quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn.
“Cùng với việc xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, chúng tôi sẽ thông báo công khai kết quả kiểm tra để người dân biết và cùng giám sát cơ sở. Bên cạnh đó, ngành Y tế Thủ đô chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra”, ông Trần Văn Chung nói.
Nguy cơ ngộ độc thực phẩm dịp hè rất cao nên khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, phải đình chỉ việc sử dụng thực phẩm nghi ngờ và niêm giữ toàn bộ thức ăn đó (kể cả chất nôn, phân, nước tiểu…) để xác minh, đồng thời báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất đến xử trí kịp thời hoặc đưa người bị ngộ độc đi bệnh viện.
Ngoài ra, cần vệ sinh, tẩy uế khu vực có chất nôn, phân, nước tiểu của người bị ngộ độc thực phẩm và thực hiện chế độ cách ly nghiêm ngặt đề phòng sự lây lan của dịch bệnh; đồng thời thực hiện các biện pháp diệt ruồi, nhặng, gián, chuột… và các hướng dẫn vệ sinh phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của ngành Y tế.