Cơ hội thúc đẩy phát triển du lịch
Du lịch - Ngày đăng : 06:33, 02/06/2019
Những tinh hoa văn hóa ẩm thực ba miền Bắc - Trung - Nam sẽ được hội tụ trong Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2019. Trong ảnh: Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2018 thu hút gần 8 vạn người dân và du khách. Ảnh: Hữu Tiệp |
Tinh hoa hội tụ
Với những điều kiện đặc trưng về thiên nhiên, địa hình và khí hậu, ẩm thực Việt Nam vô cùng đa dạng, phong phú, thể hiện nét văn hóa riêng biệt của mỗi vùng, miền. Nhằm tôn vinh, giới thiệu tới công chúng Hà Nội và du khách trong, ngoài nước về di sản văn hóa ẩm thực Hà Nội nói riêng, của ba miền nói chung, từng bước khơi dậy tiềm năng du lịch của Thủ đô bằng ẩm thực, Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2019 hướng tới nét văn hóa đặc sắc nhất của ẩm thực Việt Nam suốt chiều dài lịch sử, những điều đã làm nên một phần bản sắc văn hóa của đất nước.
Phó Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Hương Thủy cho biết, Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm nay sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 7 đến 9-6), tại Công viên Thống Nhất với rất nhiều hoạt động hấp dẫn. Tâm điểm của lễ hội là không gian văn hóa làng nghề gắn với di sản ẩm thực, tái hiện quy trình thực hành, sáng tạo những sản phẩm đại diện cho tinh thần ẩm thực ở ba miền Bắc - Trung - Nam.
Ngoài ra, lễ hội còn có không gian trải nghiệm ký ức lịch sử, văn hóa nói chung, phong cách, tinh hoa ẩm thực dân tộc nói riêng; nơi giao lưu với nghệ nhân, thưởng thức ẩm thực tiêu biểu ở ba miền đất nước; không gian trình diễn nghệ thuật truyền thống…
Đặc biệt, Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2019 có sự tham gia của Hội Đầu bếp Việt Nam trong vai trò tư vấn, hỗ trợ lựa chọn món ăn, giới thiệu nghệ nhân tham gia lễ hội… Chủ tịch Hội Đầu bếp Việt Nam Nguyễn Thường Quân chia sẻ, nếu như ẩm thực miền Bắc là sự chuẩn mực trong lựa chọn nguyên liệu và cách thưởng thức, ẩm thực miền Trung đòi hỏi sự khéo léo tới mức khắt khe, tỉ mỉ trong chế biến và bày biện, thì ẩm thực miền Nam lại tạo ấn tượng từ sự đơn giản, mộc mạc và hoang dã...
Hội Đầu bếp Việt Nam đảm nhận trọng trách hỗ trợ chọn ra các món ăn đại diện; tư vấn mời các nghệ nhân tiêu biểu cho ẩm thực ở ba miền tham gia lễ hội, bảo đảm tiêu chí tinh hoa hội tụ với các yếu tố thẩm mỹ, chất lượng, an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Dự kiến, có khoảng 15 tỉnh, thành phố với hơn 30 gian hàng tham gia Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2019. Trong đó, không thể thiếu những đặc sản, như: Hủ tiếu Sài Gòn, bánh xèo Cần Thơ, cơm hến Huế, mỳ Quảng Hội An, súp lươn xứ Nghệ, chả mực Quảng Ninh, bánh đa cua Hải Phòng, phở bò Hà Nội…
Phát huy thế mạnh ẩm thực trong phát triển du lịch
Thực khách thưởng thức bánh cuốn tại gian hàng bánh cuốn Thanh Trì trong Lễ hội văn hóa ẩm thực năm 2018. Ảnh: Khuê Diệp |
Háo hức là tâm trạng chung của nhiều người khi được hỏi về sự kiện văn hóa ẩm thực sắp diễn ra tại Thủ đô. Theo bà Nguyễn Ngọc Lê (Khâm Thiên, Đống Đa), đây là cơ hội cho mọi người tìm hiểu, thưởng thức đặc sản trên mọi miền Tổ quốc, mà không phải đi đâu xa.
Còn ông Nguyễn Mạnh Cường (Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân) cho rằng, Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2018 rất thành công, khi mang đến cho thực khách những trải nghiệm thú vị về món ngon truyền thống của Hà Nội. Lễ hội năm nay hứa hẹn tạo dấu ấn với tài nguyên ẩm thực của ba miền, góp phần làm phong phú thêm hoạt động văn hóa ở Thủ đô, tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách trong, ngoài nước.
Tiến sĩ Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, nguyên Viện trưởng Viện Ẩm thực Việt Nam, Trưởng Đề án Bếp Việt - Bếp của Thế giới cho biết, bản sắc của ẩm thực Việt Nam là lấy tự nhiên làm gốc, món ăn vừa ngon, vừa lành, có lợi cho sức khỏe. Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội đề cao việc tôn vinh, quảng bá bản sắc văn hóa ẩm thực Việt với các yêu cầu khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm, cho thấy thành phố rất tâm huyết và trách nhiệm trong việc quảng bá những giá trị đặc sắc của ẩm thực, coi đây là một thế mạnh để thúc đẩy du lịch phát triển.
Cùng với Lễ hội văn hóa ẩm thực, Hà Nội có thể xây dựng thêm nhiều các sự kiện văn hóa liên quan đến ẩm thực; triển khai các khu phố, điểm đến tiêu biểu cho ẩm thực Thủ đô với mục tiêu chính là quảng bá, giới thiệu các món ngon ở Hà Nội… Về lâu dài, thành phố cần có một kế hoạch tổng thể về phát huy giá trị ẩm thực trong phát triển du lịch với những chiến lược, chính sách, cơ chế cụ thể.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền, Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện rà soát, xây dựng danh mục di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có văn hóa ẩm thực với 183 sản vật, món ăn đặc trưng thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian. Điều này, không chỉ giúp ích cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa ẩm thực, mà còn đưa ra bức tranh toàn diện về ẩm thực Hà Nội để việc quảng bá, phát huy giá trị được tổ chức bài bản, hiệu quả hơn.
Thế mạnh ẩm thực trong thu hút phát triển du lịch đã được khẳng định rõ nét qua hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên diễn ra cuối tháng 2 vừa qua cũng như nhiều hoạt động đối ngoại trước đó, khi các chính khách, phóng viên quốc tế đã có những nhận xét, phản ánh sâu đậm về ẩm thực Việt Nam ra thế giới. Và, thế mạnh đó cần được phát huy qua việc tổ chức đa dạng các hoạt động, sản phẩm du lịch, văn hóa ẩm thực cụ thể.
Thành phố Hà Nội cũng đang tích cực tìm kiếm các không gian phù hợp để tổ chức phố ẩm thực, vận động nghệ nhân tham gia quảng bá vào các khung giờ nhất định để giới thiệu nét văn hóa riêng này đến người dân và du khách; tiếp tục phối hợp tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa ẩm thực Hà Nội với bạn bè quốc tế; xây dựng, phát triển các tour, tuyến với điểm đến là các cơ sở trải nghiệm ẩm thực truyền thống, dạy chế biến món ngon Hà Nội; hình thành các khu ẩm thực độc đáo, đặc trưng, theo mùa…
Những việc làm này, nhằm từng bước thực hiện mục tiêu tôn vinh, quảng bá di sản ẩm thực, đưa ẩm thực thành sản phẩm độc đáo trên bản đồ du lịch Thủ đô.