Cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau
Thế giới - Ngày đăng : 07:32, 02/06/2019
Theo Viện Nghiên cứu quốc gia về lạm dụng thuốc (NIDA) của Mỹ, tình trạng lạm dụng và sử dụng quá liều thuốc giảm đau đã bùng phát tại nước này trong 20 năm qua. Trong đó, thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid có nguy cơ gây nghiện cao và được cho là nguy hiểm gấp 50 lần so với hê rô in. Số thuốc giảm đau cực mạnh thuộc nhóm này đã dẫn tới cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng do con người gây ra tồi tệ nhất trong lịch sử xứ Cờ hoa, với gần 50.000 ca tử vong do dùng quá liều vào năm 2017.
Hồi tháng 1-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải ký một dự luật nhằm ngăn chặn đại dịch opioid vốn khiến quốc gia này tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD để khắc phục hậu quả về sức khỏe cho những người bị nghiện và lệ thuộc vào thuốc.
Giới chức tư pháp bang Oklahoma gọi Johnson & Johnson là "ông trùm" đằng sau cuộc khủng hoảng tồi tệ, gây ra mối nguy hại cho cộng đồng và phá hoại sức khỏe của hàng nghìn người. Hãng bị cáo buộc đã thực hiện các chiến dịch “tẩy não”, lừa dối và quảng cáo rầm rộ thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid như một loại dược phẩm thần kỳ. Đây được cho là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới việc bùng phát “đại dịch” opioid trên toàn nước Mỹ.
Trong giai đoạn 2012-2018, riêng bang Oklahoma đã ghi nhận hơn 28.000 yêu cầu nhập viện điều trị chứng nghiện opioid và hê rô in. Mỗi năm, hàng trăm trẻ em Oklahoma được chẩn đoán mắc hội chứng cai nghiện ở trẻ sơ sinh liên quan đến opioid.
Theo ước tính, bang Oklahoma phải mất từ 20 đến 30 năm với chi phí khoảng 12,7 đến 17,5 tỷ USD mới giải quyết được cuộc khủng hoảng opioid do Johnson & Johnson gây ra. Khoản tiền mà bang yêu cầu hãng này phải bồi thường là 17,5 tỷ USD. Ngoài ra, kết quả của phiên tòa được cho là sẽ định hình cách thức thụ lý gần 2.000 đơn kiện ở tất cả các cấp liên quan đến thuốc giảm đau opioid.
Trước cáo buộc của bang Oklahoma, Johnson & Johnson một mực phủ nhận và khẳng định đã tiếp thị sản phẩm một cách có trách nhiệm theo hướng dẫn của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA).
Trong một tuyên bố vừa được đưa ra, Tổng Chưởng lý bang Oklahoma Mike Hunter nhấn mạnh, những yêu cầu xét xử và bồi thường cho thấy quyết tâm của bang này trong việc đưa các công ty dược liên quan đến vụ việc ra trước pháp luật và chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
Quan chức này cũng cho biết, khoản tiền bồi thường trên sẽ được sử dụng cho việc khắc phục hậu quả từ việc dùng thuốc giảm đau và hỗ trợ cho cuộc chiến chống lại nhóm thuốc opioid nguy hiểm.