Giới trẻ Philippines tự tạo "di sản sống"
Chuyện đó đây - Ngày đăng : 07:27, 02/06/2019
Tác giả của đạo luật đặc biệt này, ông Gary Alejano, đại diện đảng Magdala, cho biết: "Với hơn 12 triệu học sinh tốt nghiệp tiểu học, gần 5 triệu học sinh tốt nghiệp trung học và gần 500.000 sinh viên tốt nghiệp đại học mỗi năm, nếu sáng kiến này được tuân thủ, sẽ có ít nhất 175 triệu cây mới được trồng mỗi năm".
Theo luật trên, các học sinh, sinh viên sẽ trồng cây ở rừng, khu vực được bảo vệ, thao trường quân sự, các khu mỏ bỏ hoang và một số khu vực thành thị. Các em cũng phải học cách cân nhắc, xem xét vị trí, khí hậu và địa hình của khu vực trồng để chọn loại cây phù hợp. Chính phủ Philippines quy định loại cây trồng phải được chọn lọc phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, địa hình của từng vùng và sẽ ưu tiên loài bản địa.
Ngoài tác dụng hấp thu CO2, các nhà làm luật hy vọng thế hệ trẻ sẽ có thêm hiểu biết về môi trường, tiếp tục tạo ra nhiều sáng kiến sinh thái khác. Bộ Giáo dục và Ủy ban Giáo dục đại học của Phillipines sẽ cùng thực thi và bảo đảm học sinh, sinh viên tuân thủ luật.
Ngoài ra, một loạt cơ quan khác của Chính phủ cũng tham gia như: Cơ quan Phát triển kỹ năng và Giáo dục kỹ thuật, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp… Tất cả sẽ chịu trách nhiệm thiết lập vườn ươm, sản xuất cây giống, chuẩn bị địa điểm và giám sát, đánh giá, hỗ trợ kỹ thuật cũng như dịch vụ khuyến nông.
Philippines là một trong những quốc gia có rừng bị tàn phá nghiêm trọng nhất thế giới với tổng diện tích rừng giảm từ 70% xuống gần 20% trong thế kỷ XX vì khai thác gỗ bất hợp pháp. Chính việc thiếu cây xanh đã làm tăng nguy cơ lũ lụt và lở đất. Năm 2017, toàn bộ thành phố Cagayan de Oro (phía Bắc đảo Mindanao) và các vùng lân cận đã chìm trong nước lũ. Bộ Nông nghiệp nước này sau đó thừa nhận, tình trạng chặt cây vô tội vạ là nguyên nhân chính của thảm họa.
Quan ngại hơn, quốc gia với hơn 7.000 hòn đảo này đã dẫn đầu danh sách các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu của Ngân hàng Thế giới (WB) khi phải hứng chịu ngày một nhiều hơn những cơn bão có cường độ rất mạnh. Những năm qua, Philippines đã trải qua nhiều trận siêu bão, gây thiệt hại nặng nề về người và của. Một số cơn bão thậm chí đã đổ bộ vào những vùng từ trước đến nay chưa hề chịu ảnh hưởng của bão như Mindanao.
Thế nên, việc thông qua đạo luật Di sản tốt nghiệp vì môi trường được xem là một biện pháp để Philippines tự vệ trước các mối đe dọa của biến đổi khí hậu. Việc trồng cây khi còn ngồi trên ghế nhà trường cũng sẽ giúp các em học sinh, sinh viên tạo ra những "di sản sống" cho mình khi trưởng thành.