Cơ hội đổi mới phim tài liệu nước nhà

Văn hóa - Ngày đăng : 07:43, 02/06/2019

(HNM) - Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 10 đang công chiếu miễn phí 25 phim xuất sắc cho khán giả Thủ đô tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương (465 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội).

Cảnh trong phim tài liệu Đàn bầu kể chuyện (Việt Nam) tham gia liên hoan.


Hiện thực sống động

Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam do Hiệp hội các Viện Văn hóa và các Đại sứ quán châu Âu (EUNIC) cùng Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương tổ chức hằng năm, đang trở thành điểm hẹn của người yêu điện ảnh Thủ đô. Sức hấp dẫn của những bộ phim hiện thực, với thủ pháp làm phim mới, lạ đang dần tìm được công chúng và có khả năng cạnh tranh khán giả không kém các thể loại điện ảnh khác.

Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội, Chủ tịch EUNIC tại Việt Nam Emmanuel Labrande khẳng định, Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam luôn là sự kiện quan trọng đối với EUNIC. Thông qua đây, các bên có cơ hội cảm nhận hiện thực cuộc sống, phân tích xã hội, đặt câu hỏi về mối quan hệ giữa con người với môi trường và khám phá các vùng lãnh thổ mới, những chủ đề mới.

Năm nay, Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam hứa hẹn hấp dẫn với 10 phim của điện ảnh Đức, Áo, Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ..., trong đó nhiều phim đã đoạt giải thưởng danh giá như giải César (Pháp), giải Sư tử (Czech), giải Phim nước ngoài hay nhất tại Liên hoan phim Munich (Đức)…

Trong số này, được mong đợi nhất có lẽ là phim “Angela Merkel - Hơn cả bất ngờ” (Đức). Đây là bộ phim tài liệu hiếm hoi về một vị nguyên thủ quốc gia đương chức. Hành trình từ một nhà vật lý trở thành người phụ nữ quyền lực nhất thế giới của bà Merkel được các nhà làm phim Đức tái hiện khéo léo, đầy cảm hứng, để lại những bài học trong cách làm phim về người đương thời... Những vấn đề xã hội cũng được các nhà làm phim châu Âu đem đến qua các bộ phim “Tôi béo” (Israel), “Người lạ, giống Pháp” (Pháp), “Những người tiên phong” (Thụy Sĩ), “Hỗn độn” (Áo), “Khuyết tật bẩm sinh” (Đan Mạch)...

Năm nay, 15 phim của Việt Nam tham gia không chỉ riêng của Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương, mà mở rộng phim của Đài Truyền hình Việt Nam, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh Việt Nam, các tác giả độc lập.

Nhiều phim đã đoạt giải thưởng cao như “Hãy nhớ: Bạn đang sống” (Cánh diều vàng 2018), “Một giải pháp chống xói lở bờ biển” (Bông sen vàng 2017), “Trầm cảm sau sinh” (Cánh diều vàng 2018). Đề tài phim cũng đa dạng, như về lịch sử - “Chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh”; văn hóa truyền thống - “Nghìn năm sơn ta, trăm năm sơn mài”, “Đàn bầu kể chuyện”…

Chuyển động mạnh mẽ

Đạo diễn Trịnh Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương nhận định, bên cạnh các nhà làm phim am hiểu, có kinh nghiệm vẫn tiếp tục sáng tạo, thì một lớp đạo diễn trẻ đang trưởng thành, biết kế thừa thế hệ đi trước và có sự dấn thân, tìm mới, tạo nên những bước chuyển cho phim tài liệu Việt Nam. Gần đây, đề tài phim tài liệu đã đa dạng, hấp dẫn hơn, các nhà làm phim cũng chú trọng đến tính nghệ thuật trong mỗi khuôn hình, đầy tính khám phá, bất ngờ, cung cấp kiến thức song hành cùng tính giải trí trong mỗi bộ phim.

Chính vì thế, phim tài liệu dần thu hút được khán giả. “Trước đây phim tài liệu của chúng ta thường có nhiều lời bình, thể hiện ý kiến chủ quan của tác giả. Nhưng qua cọ xát từ các liên hoan phim hằng năm, các đạo diễn của chúng ta đã biết khéo léo gửi gắm nội dung muốn truyền tải vào nhân vật, để nhân vật tự cất tiếng nói, dẫn dắt chuyện phim. Một số đạo diễn trẻ như Đặng Linh, Đỗ Thị Huyền Trang, Phùng Ngọc Tú, Nguyễn Sĩ Bằng… đã bước đầu bắt kịp xu hướng làm phim của thế giới với những bộ phim mang tính hội nhập cao”, đạo diễn Trịnh Quang Tùng chia sẻ.

Đạo diễn Đỗ Thị Huyền Trang của phim “Trầm cảm sau sinh” cũng nhìn nhận, việc sử dụng ít lời bình, tăng tính tự sự của nhân vật cùng với cách xử lý, dựng phim sáng tạo, có yếu tố gây tò mò, bất ngờ cho người xem… quyết định thành công của một phim tài liệu hiện nay. Đạo diễn phim “Nghìn năm sơn ta, trăm năm sơn mài” Đặng Linh cho rằng, điện ảnh luôn đòi hỏi sự đổi mới và bản thân chị cũng luôn đặt ra mục tiêu mỗi tác phẩm của mình phải có cách kể, cách làm khác.

“Làm phim tài liệu là sự dấn thân, không chỉ đi vào những nơi hiểm nguy, khó khăn mà còn phải kiên trì, đeo bám, thuyết phục nhân vật bộc lộ. Khi đã quyết định làm phim là luôn trong trạng thái sẵn sàng, bởi nhân vật, tình huống, sự kiện không chờ và không cho phép người làm phim chần chừ một giây phút nào”, đạo diễn Đặng Linh chia sẻ kinh nghiệm.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của phim tài liệu Việt Nam vẫn là quá ít phim được chiếu rạp, chỉ chủ yếu phát sóng trên truyền hình. Phim chiếu rạp sẽ tăng hiệu quả truyền đạt tới người xem, đồng thời dễ quảng bá rộng rãi tới bạn bè quốc tế. Một phần lý do là dung lượng hầu hết phim tài liệu của chúng ta ngắn, chỉ khoảng 30-45 phút/phim, trong khi phim chiếu rạp tiêu chuẩn thường 80-120 phút.

Song cũng có ngoại lệ, như phim tài liệu “Những cánh én đầu tiên” vừa ra mắt, có thời lượng 40 phút, nhưng đã tạo nên “cơn sốt” trên hệ thống rạp chiếu ở Thủ đô. Phải chăng những nhà làm phim Việt chưa thực sự tự tin đầu tư cho phim chiếu rạp? Bởi, ngoài yếu tố thời lượng, thì yêu cầu về sức hút của đề tài, chất lượng nội dung và hình ảnh của phim tài liệu chiếu rạp khá khắt khe.

Muốn tạo bước tiến mạnh cho phim tài liệu nước nhà trong tương lai, các nhà làm phim cần mạnh dạn dấn thân hơn nữa.

An Nhi