Bớt chủ quan, tăng an toàn

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:26, 03/06/2019

(HNM) - Quyền sống là quyền đầu tiên trong 25 quyền của trẻ em được nêu trong Luật Trẻ em với nội dung: “Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển”.


Tuy nhiên, đáng tiếc và đáng phải báo động mạnh mẽ là chúng ta vẫn đang phải đối diện với thực tế là mỗi năm, trung bình có khoảng 8.000 trẻ tử vong vì tai nạn thương tích. Đấy là chưa kể những hậu quả không kém phần nặng nề khác nếu trẻ may mắn giữ được tính mạng sau tai nạn thương tích.

Con số và thực trạng trên đã chỉ ra những khoảng trống nguy hiểm trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em nói chung. Đó là: Thái độ chủ quan của người lớn cả trong gia đình, ngoài cộng đồng đã trở thành nguyên nhân chính khiến hằng trăm mối nguy tai nạn thương tích có “điều kiện” gây thương vong cho trẻ. Hàng loạt vụ việc đáng tiếc đã xảy ra, thậm chí lặp lại trong thời gian qua như trẻ bị đuối nước, bị điện giật, bị vật nuôi tấn công…, chính là minh chứng rõ nhất cho việc nhiều nguy cơ tai nạn thương tích đã không được ngăn chặn triệt để.

Trách nhiệm của việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em cũng như trách nhiệm ngăn chặn tai nạn thương tích xảy ra với trẻ, nhất là trong dịp hè thuộc về “các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân” như Luật Trẻ em nêu rõ.

Muốn trách nhiệm này được thực thi trọn vẹn và để con số đau lòng trên giảm tới mức tối đa thì việc phòng ngừa tai nạn thương tích ở trẻ phải được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu. Trong đó, phòng ngừa bằng việc đẩy lùi sự chủ quan cần được thể hiện cả trong nhận thức và hành động.

Để đẩy lùi chủ quan trong nhận thức thì tuyên truyền đóng vai trò quyết định. Hoạt động tuyên truyền phải được đẩy mạnh hơn nữa tương xứng với tính chất nguy hiểm của tai nạn thương tích ở trẻ. Trong đó, tuyên truyền phải dựa theo đặc điểm từng địa phương, nên thực hiện dưới nhiều hình thức, gây được sự chú ý mạnh mẽ và theo hướng cung cấp kỹ năng phòng ngừa cho cả gia đình, bản thân trẻ và cộng đồng.

Nhà trường mặc dù không chịu trách nhiệm quản lý trẻ trong dịp hè song bài học về kỹ năng sống, phòng ngừa tai nạn thương tích nếu có thể gửi đến trẻ trước kỳ nghỉ cũng sẽ giúp tăng cường nhận thức, hình thành phản xạ biết phòng ngừa tai nạn cho chính mỗi học sinh và gia đình các em.

Để đẩy lùi thái độ chủ quan trong phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em còn cần những hành động cụ thể. Gia đình là nơi đầu tiên phải chú trọng việc kiểm soát các nguy cơ mất an toàn cho trẻ về bỏng, đuối nước, ngộ độc… như một thói quen, kỹ năng tất yếu.

Chính quyền cơ sở, tổ chức chính trị - xã hội cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc rà soát các nguy cơ có thể gây thương vong cho trẻ; tạo dựng nhiều hơn sân chơi an toàn cho các em. Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật gây mất an toàn cho cộng đồng, trẻ em.

Đặc biệt, kỹ năng bảo đảm an toàn là kỹ năng hình thành phần lớn nhờ giáo dục. Vì thế, trẻ rất cần được gia đình, nhà trường… dạy bơi, chống đuối nước và những kỹ năng sống cơ bản khác.

Thành phố Hà Nội có 1,84 triệu trẻ em. Cũng như cả nước, để bảo vệ sự an toàn cho trẻ, gia đình, cơ quan chức năng, cộng đồng ở Thủ đô cần luôn tự nhủ không chủ quan trong cả nhận thức và hành động về phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ. Đẩy lùi sự chủ quan cũng là cách duy nhất lâu dài để xây dựng môi trường sống thực sự an toàn cho trẻ.

Hà An