Thêm nhiều sân chơi lành mạnh, hấp dẫn cho trẻ
Thể thao - Ngày đăng : 07:12, 04/06/2019
Với 11 môn thi đấu cấp thành phố, đây là cơ hội để "tạo thêm nhiều sân chơi lành mạnh và hấp dẫn cho các em nhỏ trong dịp hè, góp phần phát hiện những hạt nhân năng khiếu tuyển chọn vào các đội tuyển trẻ của Thủ đô" - như khẳng định của Phó Trưởng phòng Quản lý thể dục thể thao, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Nguyễn Phúc Anh khi trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới.
Võ là một trong những môn được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức thi đấu trong hè năm 2019. |
- Ông có thể chia sẻ rõ hơn về 11 môn thi đấu thể thao cấp thành phố dành cho thanh, thiếu nhi trong dịp hè năm nay?
- Hè năm 2019, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ tổ chức 11 giải đấu cấp thành phố của các môn cờ vua - cờ tướng, bóng bàn, cầu lông, võ cổ truyền, bóng rổ, karate, wushu, bóng đá, taekwondo, vật tự do, thể dục aerobic dành cho thanh, thiếu nhi. Các giải đấu sẽ lần lượt được tổ chức, khai mạc sớm nhất là cầu lông, kết thúc muộn nhất là taekwondo. 6 địa điểm diễn ra các giải đấu cấp thành phố là nhà thi đấu các huyện Hoài Đức (cầu lông, từ ngày 10 đến 14-6), Thanh Trì (bóng rổ, từ ngày 15 đến 22-6), Đan Phượng (võ cổ truyền, từ ngày 26 đến 30-6), Sân vận động Hà Đông (bóng đá, từ ngày 16 đến 22-7), xã Bình Phú - huyện Thạch Thất (vật tự do, từ ngày 22 đến 26-7) và Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức (wushu, từ ngày 17 đến 21-6; cờ vua - cờ tướng, từ ngày 23 đến 27-6; karate, từ ngày 1 đến 5-7; bóng bàn, từ ngày 11 đến 15-7; thể dục aerobic, từ ngày 18 đến 20-7; taekwondo, từ ngày 23 đến 28-7).
- Điều kiện để thanh, thiếu nhi có thể tham gia các giải đấu này cụ thể thế nào, thưa ông?
- Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các quận, huyện, thị xã, cùng với Cung Thiếu nhi Hà Nội là các đơn vị chịu trách nhiệm tuyển chọn lực lượng thanh, thiếu nhi đại diện quận, huyện, thị xã tham dự các giải thể thao hè. Lưu ý, các em phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. Riêng các vận động viên đang hưởng chế độ bồi dưỡng tập luyện của ngành Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Huấn luyện thể thao các ngành (Công an, Quân đội, Viettel, T&T...), kể cả những vận động viên đã thôi không được hưởng chế độ bồi dưỡng nhưng chưa quá thời hạn 12 tháng đến thời điểm thi đấu, sẽ không được tham gia thi đấu môn đang hưởng chế độ tập luyện. Các vận động viên đã đoạt huy chương tại các giải trẻ, giải vô địch quốc gia từ năm 2018 trở lại đây cũng không được tham gia thi đấu. Điều này nhằm tạo sân chơi hấp dẫn, cạnh tranh lành mạnh cho khối các vận động viên nghiệp dư, nhằm tìm kiếm, phát hiện và hỗ trợ công tác tuyển chọn tài năng cho các đội trẻ của Thủ đô.
- Chúng ta sẽ có thêm biện pháp nào để tạo nên nhiều sân chơi thi đấu thực sự công bằng, hấp dẫn cho thanh, thiếu nhi?
- Bên cạnh việc khích lệ các em thi đấu thông qua hệ thống giải thưởng, chúng tôi cũng sẽ cộng điểm thi đua cho các đơn vị tham gia từ 7 môn trở lên trong số 11 môn đấu. Đây là việc làm cần thiết, khuyến khích các đơn vị phát triển các môn thể thao một cách đa dạng, đồng đều. Hơn thế, trong năm 2019, Phòng Quản lý Thể dục thể thao sẽ làm chặt về công tác nhân sự, ngăn chặn các cá nhân, đơn vị vi phạm Chỉ thị 15/2002/CT-TTg ngày 26-7-2002 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực trong các hoạt động thể dục thể thao. Giám đốc trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm về nhân sự của đơn vị mình. Đơn vị vi phạm không chỉ bị xem xét đánh giá kết quả thi đấu cuối năm, mà bản thân cán bộ, huấn luyện viên, lãnh đạo đơn vị cũng sẽ bị xử lý nếu vi phạm.
Việc thành phố tổ chức thi đấu 11 môn thể thao sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tại các quận, huyện, thị xã, bởi để có đội tuyển thi đấu, các đơn vị cơ sở sẽ mở lớp tập huấn, đào tạo, tổ chức các giải đấu tuyển chọn. Và đó chính là mục tiêu lớn nhất của chúng tôi, góp phần thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội về việc tổ chức nhiều hình thức hoạt động phong phú, tạo nên kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh, hấp dẫn, bổ ích cho thanh, thiếu nhi trong dịp hè.
- Trân trọng cảm ơn ông!