Các ban của HĐND thành phố Hà Nội tiếp tục giám sát, khảo sát chuyên đề
Chính trị - Ngày đăng : 16:17, 04/06/2019
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố khảo sát tại Bảo tàng Hà Nội. |
Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở VH-TT) Trần Thị Lan Anh cho biết, toàn thành phố có 5.922 di tích, trong đó có 2.435 di tích được xếp hạng các cấp. Thời gian qua, Sở VH-TT đã hướng dẫn các quận, huyện, thị xã bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa và đầu tư, khai thác, quản lý các thiết chế văn hóa thông tin, thể dục thể thao gắn với kế hoạch phát triển văn hóa - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, số lượng di tích có giá trị đã bị xuống cấp, cần được tu bổ, tôn tạo hiện nay khá lớn (727 di tích xuống cấp các hạng mục chính; 279 di tích xuống cấp nghiêm trọng, nguy hiểm), nhưng nguồn ngân sách hạn chế, thu hút xã hội hóa gặp nhiều khó khăn.
Một số xã, phường, thôn, tổ dân phố vẫn chưa có nhà văn hóa do không có đất xây dựng; trang thiết bị, điều kiện cơ sở vật chất của nhiều nhà văn hóa còn thiếu, chưa đồng bộ về chủng loại cũng như chất lượng.
Trên cơ sở khảo sát, Đoàn khảo sát đề nghị, Sở VH-TT đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân về công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa và đầu tư, khai thác, quản lý các thiết chế văn hóa thông tin, thể dục thể thao trên địa bàn thành phô.
Đặc biệt, Sở VH-TT sớm tham mưu với UBND thành phố ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức, hoạt động của các trung tâm văn hóa - thể thao phường, nhà sinh hoạt cộng đồng để khai thác hiệu quả hơn.
* Chiều cùng ngày, Ban Đô thị HĐND thành phố đã làm việc với các sở, ngành liên quan về công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố.
Hiện nay, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại thành phố là khoảng 6.500 tấn/ngày; tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trong ngày tại các quận đã đạt hơn 98%, các huyện đạt 88%.
Ghi nhận công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn có chuyển biến, song Ban Đô thị HĐND thành phố cho rằng, vẫn còn tình trạng rác thải rơi vãi trên nhiều tuyến đường, ngõ xóm, hiện tượng đổ trộm phế thải xây dựng; rác thải sinh hoạt chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp.
Bên cạnh đó, công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường còn hạn chế; khối lượng đăng ký mời thầu thấp hơn khối lượng thực tế, dẫn đến phát sinh kinh phí gần 600 tỷ đồng chưa được xem xét giải quyết trong 4 năm qua.
Đoàn giám sát đề nghị, các sở, ngành chức năng của thành phố tham mưu UBND thành phố đẩy nhanh tiến độ bổ sung, điều chỉnh Quy hoạch xử lý chất thải rắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án nhà máy xử lý chất thải rắn áp dụng công nghệ cao; tăng cường kiểm tra các nhà thầu thực hiện thu gom, vận chuyển rác, nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn toàn thành phố.
* Ngày 4-6, Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội đã giám sát việc chấp hành pháp luật trong hoạt động công chứng tại Phòng Công chứng số 9 trực thuộc Sở Tư pháp (tại huyện Mê Linh).
Đoàn giám sát ghi nhận, hoạt động công chứng tại Phòng Công chứng số 9 được thực hiện nghiêm túc, từ áp phí, thu phí đến việc mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm nghề nghiệp cho công chứng viên… Từ năm 2017 đến nay, đơn vị đã thực hiện hơn 20.000 hợp đồng, chứng thực bản sao đúng quy định, không để xảy ra khiếu nại, tố cáo.
Đoàn giám sát đề nghị, Phòng Công chứng số 9 tăng cường kết nối với các cơ quan quản lý nhà nước, văn phòng đăng ký đất đai ở địa phương nhằm thực hiện tốt việc công chứng các hợp đồng giao dịch, chứng thực, tránh các rủi ro trong hoạt động nghề nghiệp…
Phòng Công chứng số 9 rà soát, nghiên cứu kỹ chủ trương của thành phố, nếu thấy đủ điều kiện chuyển đổi sang văn phòng công chứng hay chuyển sang cơ chế tự chủ thì đề xuất với thành phố.