Để di sản ngày càng lan tỏa
Văn hóa - Ngày đăng : 11:38, 06/06/2019
Điều đó cũng đặt ra không ít thách thức với Thủ đô trong việc đãi ngộ nhằm khuyến khích các “báu vật nhân văn sống” tiếp tục trao truyền những giá trị quý báu của các loại hình di sản văn hóa phi vật thể (DSVH PVT) cho thế hệ sau.
Các nghệ nhân trình diễn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Hà Nội. |
Những “báu vật nhân văn sống”
Trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa nói chung, có lẽ việc khôi phục, giữ gìn và phát huy giá trị của DSVH PVT phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn cả. Không giống như việc trùng tu một di tích là những công trình vật chất hiện hữu, DSVH PVT mang tính trừu tượng hơn và dễ bị mai một, biến dạng hơn. Nhắc lại trường hợp của di sản hát Dô với tục lệ 36 năm mới mở lễ hội một lần cùng lời nguyền nếu ai tiết lộ cho người khác cách hát, người đó sẽ bị câm hoặc thiệt mạng... để thấy rằng, đa phần các DSVH PVT đều mang tính tín ngưỡng, tâm linh rất lớn. Chính cái tính “thiêng” ấy cùng những định kiến, luật lệ nghiêm khắc đã khiến không ít di sản bị rơi vào quên lãng, bị biến dạng, mai một hoàn toàn hoặc rơi vào tình trạng cần được bảo tồn khẩn cấp như: Ca trù, chèo tàu, hát Trống quân, cồng chiêng của người Mường hay tiếng lóng Đa Chất...
DSVH PVT muốn tồn tại phụ thuộc rất nhiều vào tâm huyết cũng như trình độ của các nghệ nhân - những người trực tiếp nắm giữ di sản. Thực tế cho thấy, địa phương nào quan tâm tới lĩnh vực này thì DSVH PVT tại đó sẽ được bảo tồn và phát triển mạnh mẽ, thậm chí mang lại nguồn lợi kinh tế cho cộng đồng và nghệ nhân. Vấn đề là nghệ nhân ấy có được khuyến khích để trao truyền những giá trị cốt lõi, thiêng liêng của di sản cho thế hệ sau không. Ở chiều ngược lại, không ít địa phương chưa kịp quan tâm thì di sản đã theo chân nghệ nhân về thế giới bên kia bởi họ không còn đủ thời gian và sức khỏe để chờ đợi.
Trong số 44 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu vừa qua, có 7 nghệ nhân được tặng danh hiệu NNND, 36 nghệ nhân được công nhận là NNƯT và 1 nghệ nhân được truy tặng danh hiệu NNƯT. Đa phần các nghệ nhân này đều ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, không ít người trong số đó đã gần trăm tuổi. Thế nhưng họ vẫn miệt mài truyền dạy cho lớp nghệ nhân kế cận và thế hệ trẻ cho dù sức khỏe đã kém đi nhiều và đôi khi trí nhớ không còn đủ minh mẫn.
Đến Câu lạc bộ Ca trù Chanh Thôn (xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên), chứng kiến cảnh NNND Nguyễn Thị Khướu (93 tuổi) móm mém nhai trầu, lưng còng gập nhưng vẫn cầm phách tận tình chỉ dạy cho thế hệ trẻ các làn điệu, lời ca cổ và các thể cách hát sao cho “vang, rền, nền, nảy”, mới thấy cụ thực sự xứng đáng là “báu vật nhân văn sống” của nghệ thuật ca trù nói riêng và lĩnh vực DSVH PVT của Hà Nội nói chung. Hỏi cụ sao đến tuổi này vẫn mê hát đến thế, cụ bảo: “Ca trù nó ngấm vào máu tôi rồi. Cuộc đời tôi trải qua bao thăng trầm, thị phi với ca trù để rồi giờ đây loại hình này được công nhận là DSVH PVT đại diện của nhân loại, tôi lại càng muốn truyền dạy cho thế hệ trẻ để chúng lưu giữ những giá trị tinh hoa của văn hóa dân tộc. Nhìn bọn trẻ say mê hát, tôi mãn nguyện lắm rồi!”.
Cũng ở tuổi “xưa nay hiếm”, NNƯT Nguyễn Văn Quyền (thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai) hằng tuần vẫn đi mấy chục cây số ra Bảo tàng Dân tộc học, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long để hướng dẫn cho trẻ em và các du khách nước ngoài cách làm các đồ chơi dân gian như đèn lồng, đèn ông sao, diều sáo... Nếu không có nơi mời đi, ông lại ở nhà sinh hoạt CLB diều sáo của huyện, chỉ dạy cho thiếu nhi trong làng cách làm đồ chơi dân gian. Ông bảo: “Tôi chỉ mong các cấp lãnh đạo, nhà nước, các nhà nghiên cứu cùng chung tay góp sức để bảo tồn và truyền lại cho con cháu những kỹ thuật làm đồ chơi dân gian truyền thống này, cho bọn trẻ có được tuổi thơ như chúng tôi từng có...”.
Cần có chế độ đãi ngộ thích hợp
Có thể nói, nghệ nhân là những người đau đáu với việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị quý báu của DSVH. Họ luôn tâm niệm phải tìm được người kế thừa để những di sản ấy ngày càng lan tỏa, có sức sống mạnh mẽ trong cộng đồng và xã hội. Như câu chuyện nghệ nhân hát Dô Nguyễn Thị Lan (xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai) từng đi gõ cửa, vận động các gia đình cho con cháu theo học, thậm chí tự bỏ tiền thuê địa điểm tập cho các cháu. Thế nhưng suốt 30 năm qua bà chưa nhận bất kỳ sự hỗ trợ nào của địa phương.
Không ít nghệ nhân ở các địa phương khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Phần lớn trong số họ đều hoạt động bằng tình yêu không vụ lợi với di sản. Ở các huyện Phú Xuyên, Đan Phượng, Thạch Thất, Ba Vì..., nghệ nhân được hỗ trợ về bảo hiểm y tế, trang thiết bị, địa điểm luyện tập hay một phần kinh phí nhỏ cho các lớp truyền dạy, đào tạo thực hành di sản hằng năm. Tuy nhiên, số tiền này chỉ như “muối bỏ bể”. Các nghệ nhân vẫn phải “giật gấu vá vai”, huy động mọi nguồn lực để duy trì hoạt động của các CLB.
Đau đáu, trăn trở cùng các nghệ nhân, Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản cho rằng: Việt Nam có thể học tập mô hình Quỹ Di sản văn hóa của Hàn Quốc hay Anh, Mỹ. Những nước này thành lập một quỹ riêng cho các hoạt động bảo tồn di sản, được vận hành bởi những nhà quản lý am hiểu sâu về di sản. Theo đó, hằng năm các nghệ nhân có thể trình bày ý tưởng của mình. Nếu khả thi, quỹ sẽ cấp kinh phí để nghệ nhân yên tâm hoạt động. Hoặc theo một cách khác, khi đến thăm một bảo tàng, du khách có thể viết nguyện vọng của mình ra giấy để cơ quan thuế của nước sở tại khấu trừ phần thuế theo vé và bổ sung vào Quỹ Bảo tồn di sản. Với cách làm này, di sản được tôn trọng và hoàn toàn bình đẳng như các hoạt động khác.
Sở dĩ đến nay chế độ đãi ngộ nghệ nhân ở Việt Nam còn nhiều bất cập là do những vướng mắc trong việc thực hiện, áp dụng Luật Di sản văn hóa với các quy định trong Luật Thi đua khen thưởng và các nghị định, thông tư liên quan. Chừng nào không còn độ “vênh” giữa các quy định thì chế độ đãi ngộ nghệ nhân mới có thể thay đổi. Giải quyết được những bất cập này, các nghệ nhân sẽ toàn tâm toàn ý hơn với trọng trách trao truyền, hướng dẫn thế hệ trẻ thực hành di sản một cách đúng đắn, chuẩn mực nhất.