Nhạc sĩ - nghệ sĩ Nguyễn Quang Hưng: Âm nhạc là nguồn sống của cuộc đời

Giải trí - Ngày đăng : 12:00, 06/06/2019

(HNMCT) - Thuộc thế hệ 8x nhưng nhạc sĩ - nghệ sĩ Nguyễn Quang Hưng đã sớm khẳng định được tên tuổi ở nhiều hoạt động nghệ thuật như: Biểu diễn đàn bầu, dàn dựng sân khấu, đạo diễn âm nhạc cho phim.


Riêng ở lĩnh vực sáng tác, anh đã ghi dấu ấn khi là đạo diễn âm nhạc cho 3 bộ phim đình đám: Ma làng, Gió làng Kình, Thương nhớ ở ai.

Đặc biệt, với bộ phim Thương nhớ ở ai, đạo diễn Bùi Thọ Thịnh từng chia sẻ: “Đây là bộ phim cực khó làm âm nhạc vì sử dụng nhiều chất liệu âm nhạc của Đồng bằng Bắc Bộ nhưng nhạc sĩ Nguyễn Quang Hưng dám đương đầu với thử thách và đã thành công”.

Một tuổi thơ cháy bỏng với âm nhạc

Người xưa có câu: “Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu” hay “Đi qua nghe tiếng em đàn/ Lá vàng xanh lại sen tàn nở hoa” để mô tả tiếng đàn bầu hấp dẫn đến say lòng người, thậm chí còn có thể khiến hoa cỏ hồi sinh. Vì thế trong tâm tưởng của tôi thì nghệ sĩ đàn bầu phải rất... “khác người” mới có thể “chuyển hóa” ra được sức mạnh ghê gớm như vậy.

Thế nhưng, luồng suy nghĩ đó đã hoàn toàn biến mất khi tôi gặp nhạc sĩ Nguyễn Quang Hưng - một con người bình dị, cởi mở, gần gũi và rất hòa đồng.

Sinh ra trong một gia đình không có truyền thống âm nhạc nhưng cậu bé Nguyễn Quang Hưng đã sớm say mê nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc. Hồi bé mỗi khi ở trong làng phát ra tiếng nhạc, bất kể là hội hè, tiệc tùng, đám cưới, đám ma... anh đều có mặt xem người ta đàn hát rồi về nhà mê mẩn ôm cán chổi say sưa hát theo. Nhà chưa có ti vi nhưng anh cũng chưa bỏ lỡ một chương trình “Bông hoa nhỏ” nào, cứ chập tối lại nhanh nhảu chạy sang nhà hàng xóm xem bằng được rồi mới về ăn cơm.

Chính qua những lần xem chương trình ấy, anh bắt đầu cảm thấy thích thú khi được nghe tiếng đàn bầu của nghệ sĩ Hoàng Anh Tú. Dù còn rất nhỏ nhưng anh đã chiêm nghiệm ra nhiều điều từ âm thanh phát ra từ cây đàn này. Phát hiện ra con trai yêu đàn bầu, bố anh đã mày mò sáng chế một chiếc đàn bầu... bằng ống bơ để con có thể tập luyện mỗi ngày.

Sống ở một làng quê, nơi âm nhạc vẫn còn là một thứ xa xỉ, Nguyễn Quang Hưng luôn khao khát được xem những chương trình nghệ thuật nhưng đó chỉ là giấc mơ, cho đến khi anh được vào học tại Cung Văn hóa thiếu nhỉ tỉnh Nam Định. Năm 11 tuổi, anh đã bắt đầu nung nấu ý định sáng tác nhạc.

Một lần chứng kiến con đường đất của làng được trải thảm bê tông, anh cảm nhận như con người được thay lớp áo mới để rồi “bật” ra ý nhạc có những ca từ khá hình tượng:“Đường rét phải không, đường rét phải không/ Vì không có áo nên đêm lạnh cóng cả thân”.

Những cuộc biểu diễn quy mô

Niềm say mê với cây đàn bầu cùng việc sáng tác nhạc đã đưa Nguyễn Quang Hưng đến với môi trường lớn, chuyên nghiệp hơn, đó là Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam).

Trong thời gian học tập tại đây, vì luôn là học sinh xuất sắc nên anh được tham gia biểu diễn nhiều chương trình nghệ thuật trong những ngày kỷ niệm lớn của đất nước. Không những vậy, anh còn được cử đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới như: Pháp, Bỉ, Luxembourg, Ai Cập, Na Uy, Thụy Điển, trong đó ấn tượng nhất là Festival Tài năng âm nhạc trẻ Na Uy - Việt Nam - Ấn Độ tại 3 nước vào năm 2004.

Nhưng cái tên Nguyễn Quang Hưng thực sự được biết đến trong lĩnh vực biểu diễn đàn bầu, có lẽ phải từ cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ truyền thống toàn quốc lần thứ III - năm 2008 tại Hà Nội, nơi anh xuất sắc giành giải Nhất.

Cuộc thi thu hút sự tham gia của 115 thí sinh là các nghệ sĩ, học sinh, sinh viên trong độ tuổi 16 - 35 thuộc 19 đơn vị nghệ thuật và trường học trong cả nước. Khi ấy, anh đã chơi 6 tác phẩm viết cho đàn bầu, trong đó 3 bản theo phong cách truyền thống và 3 bản theo phong cách hiện đại.

Chưa dừng ở đó, năm 2016, Nguyễn Quang Hưng là nghệ sĩ duy nhất của Việt Nam tham dự Liên hoan Âm nhạc châu Âu tổ chức tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Tại đây, anh đã biểu diễn 3 tiết mục chung với ca sĩ Barbara Wiernik và nghệ sĩ piano Nicola Andrioli. Khán giả Thủ đô còn rất ấn tượng với ca khúc Bèo dạt mây trôi mà chính Nguyễn Quang Hưng đã dạy ca sĩ Barbara Wiernik hát trên tiếng đàn bầu của anh cùng tiếng piano của Nicola Andrioli.

Gần đây, Nguyễn Quang Hưng đã góp mặt trong chương trình biểu diễn phục vụ Đại hội đồng Nghị viện thế giới IPU132 tại Việt Nam.

Đặc biệt, anh còn là Giám đốc âm nhạc cho đêm nhạc “Nụ cười mắt lá” - chương trình tri ân Người Mẹ và Thủ đô Hà Nội, được tổ chức trang trọng, ấm cúng tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, trong Ngày của Mẹ (12-5) vừa qua.

Sáng tác nhạc cho phim

Chỉ biểu diễn đàn bầu thôi là chưa đủ với một người ham tìm tòi, sáng tạo như Nguyễn Quang Hưng. Khi còn là sinh viên, anh đã khiến các sinh viên chuyên ngành sáng tác phải ghen tỵ khi giành giải Nhất cuộc thi Sáng tác trẻ mảng ca khúc do Nhạc viện Hà Nội tổ chức năm 2004 với tác phẩm đầu tay Tìm về tuổi thơ.

Sau đó, anh bắt đầu “lấn sân” sang lĩnh vực này và đã gặt hái được không ít thành công qua các ca khúc đậm chất dân gian như: Chờ, Tìm, Để dành, Ngọt ngào tuổi thơ, Trầu không, Kỷ niệm mùa đông…

Vì vậy, không khó hiểu khi anh lọt vào “mắt xanh” của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần và được mời tham gia viết nhạc nền cho 2 bộ phim Ma làng và Gió làng Kình. Ma làng là bộ phim với những cảnh quay đầy ma mị, rùng rợn, kịch tính, nơi nhân vật có nhiều cảm xúc như buồn, bi hài, hài hước... Vì thế, anh phải “khoác” cho nó chất liệu âm nhạc đúng với tinh thần của không gian đầy ma mị ấy. Đặc biệt, trong bộ phim đã sử dụng ca khúc Tìm do anh sáng tác qua phần thể hiện của ca sĩ Minh Chuyên.

Nhưng có lẽ thành công hơn cả phải kể đến phim Thương nhớ ở ai của đạo diễn Lưu Trọng Ninh và Bùi Thọ Thịnh - bộ phim đã giành tới 4 giải Cánh diều Vàng 2018: Phim truyền hình xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc, Nam diễn viên phụ xuất sắc, Quay phim xuất sắc. Đây là bộ phim mà phần âm nhạc đã sử dụng rất nhiều chất liệu âm nhạc Đồng bằng Bắc Bộ như ca trù, chầu văn, chèo, xẩm, quan họ, hát ru... Trong phim cũng sử dụng nhiều nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn tranh, đàn nguyệt, đàn nhị, sáo, tiêu...

Ngoài ra, anh cũng là người sáng tác ca khúc chính của phim, đó là bài hát Trầu không phổ từ bài thơ cùng tên của thi sĩ Phạm Thị Kim Anh qua phần thể hiện của ca sĩ Hồng Duyên.

Bây giờ, Nguyễn Quang Hưng vẫn nghĩ việc mình nhận làm đạo diễn âm nhạc cho phim Thương nhớ ở ai là một sự liều lĩnh và táo bạo. Bởi theo yêu cầu của đạo diễn phim thì chất liệu âm nhạc dân gian sử dụng quá nhiều và nếu không phải là người say mê âm nhạc dân tộc thì có lẽ không ai dám nhận. Trong phim có những đoạn nhạc kéo dài đến 8 - 9 phút, có thể nói đây là kỷ lục về thời gian âm nhạc trong một bộ phim Việt.

“Mỗi người có một cách khác nhau nhưng theo tôi, trong cuộc chơi phải có sự dám chơi, dám hy sinh và đương nhiên tiền bạc phải được gạt sang một bên. Khi bộ phim hoàn thành, ê kíp đã dành cho nhau cái ôm, cái bắt tay, những lời cảm ơn và tôi nghĩ mình đã để lại giá trị khác ngoài việc kiếm tiền”, nhạc sĩ Nguyễn Quang Hưng trải lòng.

Kiên trì, bền bỉ, say mê, tâm huyết với dòng nhạc dân tộc rồi thành công ở cả lĩnh vực sáng tác lẫn biểu diễn, Nguyễn Quang Hưng đã góp phần không nhỏ vào việc quảng bá, giới thiệu dòng nhạc này đến công chúng đương đại, đặc biệt là với giới trẻ.

Nhạc sĩ - nghệ sĩ Nguyễn Quang Hưng sinh năm 1982 tại xã Nghĩa Phúc, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Anh từng có 3 năm (1993 - 1996) sinh hoạt và học đàn bầu tại Cung Văn hóa thiếu nhi tỉnh Nam Định; 12 năm (1996 - 2007) học tập, nghiên cứu đàn bầu tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). 

Anh cũng đã sáng tác một số ca khúc theo “đơn đặt hàng” cho các đoàn nghệ thuật và đem về huy chương vàng cho các nghệ sĩ tham dự hội diễn như: Tâm tình người lính (Đoàn Nghệ thuật Bộ đội Biên phòng), Hội xuân (Đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần), Thương kiếp con tằm (Đoàn Ca múa nhạc trung ương), Suối nguồn (Đoàn Ca múa nhạc tỉnh Hòa Bình)...

Giang Phú