Đặt đích cao hơn trong cải cách hành chính
Cải cách hành chính - Ngày đăng : 07:32, 06/06/2019
Nhìn từ cơ sở, tại các xã, phường, thị trấn, công tác tiếp và giải quyết thủ tục hành chính cho công dân đã có những chuyển biến rõ nét. Ông Nguyễn Văn Thành (ở xã Nam Hồng, huyện Đông Anh) khi đến giải quyết thủ tục hành chính tại UBND xã Nam Hồng cho biết: “Thái độ của cán bộ công chức luôn đúng mực. Nhiều lần làm các thủ tục hành chính ở đây tôi đều được hỗ trợ nhanh chóng”.
Đến làm thủ tục hành chính liên quan đến đất đai tại bộ phận “một cửa” của UBND quận Hà Đông, được cán bộ phụ trách giới thiệu chi tiết, hướng dẫn cụ thể, nên ông Bùi Văn Hiếu (phường Văn Quán, quận Hà Đông) bày tỏ sự hài lòng.
Ông Hiếu cho biết, trước đây đã chứng kiến nhiều công dân khi đến cơ quan nhà nước gặp nhiều thủ tục phiền hà, nhưng nay đội ngũ cán bộ không những nhiệt tình, niềm nở mà còn giải quyết công việc khá nhanh gọn, chuyên nghiệp.
Báo cáo của Sở Nội vụ cho biết, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, nhiều nơi đã xuất hiện những cách làm hay, mô hình tốt trong công tác cải cách hành chính. Công tác cải cách hành chính đã chuyển mình ở các nội hàm chính: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính. Những kết quả đó đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư, bước đầu đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhân dân.
Song, chưa hài lòng với những kết quả trên, để tiếp tục hướng đến nền hành chính hiện đại phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo là: Các mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu của thành phố về PAR Index phải bằng hoặc cao hơn mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu của Chính phủ đề ra. Trong chỉ số chung đạt kết quả cao thứ hai cả nước, các sở, ngành cần phân tích, làm rõ những chỉ số thành phần quan trọng còn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Việc xây dựng lộ trình và giải pháp cải thiện các chỉ số phải bảo đảm thực hiện được trong từng năm, từng giai đoạn và phấn đấu có nhiều chỉ tiêu hoàn thành sớm và về đích trước thời hạn, như: Phấn đấu đạt 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại các cơ quan, đơn vị từ nay đến năm 2020; bảo đảm mức độ hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với sự phục vụ cơ quan hành chính nhà nước phải đạt hơn 80%.
Để thực hiện được mục tiêu trên, trong mỗi giai đoạn, thành phố xác định, lựa chọn một hoặc một số nhiệm vụ trọng tâm cấp bách, nổi bật, đồng thời động viên, khuyến khích các đơn vị đổi mới, sáng tạo trong thực hiện. Thành phố đã và đang chỉ đạo một số quận, huyện, thị xã thí điểm một số mô hình, sáng kiến mới trong cải cách hành chính.
Đặc biệt, Hà Nội đang nghiên cứu Đề tài khoa học “Đánh giá công tác xây dựng chính quyền, cải cách hành chính nhiệm kỳ Đại hội XVI (2015-2020) và định hướng, giải pháp xây dựng “chính quyền điện tử”, “thành phố thông minh”; xây dựng chính quyền đô thị tinh gọn, quản trị hiện đại đến năm 2025, tầm nhìn 2030”. Đây sẽ là cơ sở lý luận, thực tiễn phục vụ xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố trong nhiệm kỳ tới.
Với lộ trình, mục tiêu cụ thể, ngay từ cơ sở, bộ máy chính quyền của Thủ đô đã và đang tiếp tục chuyển mình thực chất. Hà Nội cũng đã và đang hợp tác, phối hợp với các tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước để xây dựng một nền tảng công nghệ cao, phục vụ điều hành thông minh, chính xác, tiện ích nhất để tiếp tục đáp ứng mong muốn, kỳ vọng của người dân. Quyết tâm của Hà Nội là cải cách hành chính phải thực sự là khâu đột phá, phải thực chất, có chuyển biến rõ nét và góp phần tích cực hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội cho những năm tiếp theo.