Bất động sản công nghiệp: Thời cơ để “cất cánh”
Bất động sản - Ngày đăng : 07:25, 06/06/2019
Các khu công nghiệp phát triển đã tạo ra hàng nghìn việc làm cho người lao động. ảnh: Viết Thành |
Sức hút hấp dẫn
Hiện nay, cả nước có 326 khu công nghiệp, khu chế xuất, với tổng diện tích 95.600ha. Trong đó, 251 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 66.200ha, tỷ lệ lấp đầy đạt gần 74%.
Ông Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, sự tăng trưởng mạnh mẽ của bất động sản công nghiệp hiện nay là nhờ định hướng của Việt Nam trong xây dựng nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu; việc xúc tiến thành lập các khu công nghiệp và khu kinh tế trọng điểm; sự tích cực tham gia các FTA... Những yếu tố này đã góp phần thu hút lượng vốn đầu tư đáng kể từ các tập đoàn nước ngoài.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương khẳng định, sức hấp dẫn của bất động sản công nghiệp Việt Nam cao hơn mức trung bình của khu vực. Sự hấp dẫn này được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố như sự dịch chuyển tới Việt Nam của các tập đoàn đa quốc gia sau căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Bên cạnh đó, việc xóa bỏ rào cản thương mại giữa các nước thành viên theo các FTA cũng giúp thu hút các doanh nghiệp thiết lập quy trình sản xuất tại Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu tới thị trường các thành viên.
Môi trường đầu tư, kinh doanh liên tục được cải thiện cũng đã và đang thu hút ngày càng nhiều dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Sức hấp dẫn này tiếp tục được thúc đẩy bởi các yếu tố: Chi phí lao động thấp, giá thuê đất hợp lý, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi... Do đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản bắt đầu chú ý đến bất động sản công nghiệp với các phân khúc: Đất công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn, kho bãi, logistics...
Nhiều tiềm năng phát triển
Báo cáo tổng quan thị trường bất động sản quý I-2019 của Tập đoàn cung cấp dịch vụ bất động sản Savills cho thấy, nhiều dự án và giao dịch bất động sản công nghiệp đã diễn ra sôi nổi trên thị trường. Cụ thể, Tập đoàn TTI, Inc. (Mỹ) thiết lập nhà máy sản xuất tấm năng lượng mặt trời và trung tâm nghiên cứu, phát triển tại Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh với mức đầu tư 150 triệu USD. Công ty TNHH Changshin Việt Nam (Hàn Quốc) xây dựng nhà máy sản xuất giày dép trị giá 100 triệu USD tại Khu công nghiệp Tân Phú (Đồng Nai)...
Thị trường bất động sản công nghiệp khu vực Bắc Bộ cũng tiếp tục tăng cao nhờ đà tăng trưởng mạnh của ngành sản xuất công nghiệp. Tỷ lệ lấp đầy trong quý I-2019 đạt trung bình 74% ở 5 tỉnh, thành phố năng động nhất vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, dẫn đầu là Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên.
Tại Hà Nội, nhiều tập đoàn lớn cũng đã và đang tham gia tích cực vào quá trình đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp như: Sumitomo (Nhật Bản), Daewoo (Hàn Quốc), Công ty Dịch vụ công nghiệp Hanel... Ông Hans Kerstens, Phụ trách kinh doanh Khu công nghiệp Deep C (Hải Phòng) nhận định: Khi tính tổng trung bình cho thấy, giá bất động sản công nghiệp tại Việt Nam rất cạnh tranh so với các nước khác.
Trên cơ sở khai thác những lợi thế sẵn có của Việt Nam, ông Takeichi Omata, Tổng Giám đốc Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) cho biết, các công ty đến đầu tư tại Khu công nghiệp Thăng Long đã tạo ra 8.000 việc làm. Trong vài năm nữa, khi hoàn tất các giai đoạn xây dựng, khu công nghiệp sẽ tạo được 30.000 việc làm.
Trên thực tế, Việt Nam được đánh giá là nước có nguồn nhân lực dồi dào so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Đây cũng là một điểm mạnh được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.
Về tiềm năng, Savills đánh giá, hiện mức độ tăng trưởng ngành sản xuất công nghiệp Việt Nam lên 12,8%. Đây là tiền đề để thị trường bất động sản công nghiệp phát triển trong thời gian tới.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung phân tích, hiện kinh tế trong nước đang đứng trước cơ hội chuyển đổi cơ cấu công nghiệp, hướng đến những ngành công nghiệp chế tác, chế tạo giá trị gia tăng cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trên nền tảng công nghệ 4.0.
Cùng với chiến lược thu hút FDI, thúc đẩy liên doanh liên kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, kế hoạch phát triển đến năm 2020, tổng diện tích đất dành cho phát triển bất động sản công nghiệp sẽ tăng gấp đôi.
Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, năm 2019 và 2020, bất động sản công nghiệp sẽ là xu hướng chủ đạo. Cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đây sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển rất tốt, nếu nhà đầu tư biết nắm bắt thời cơ và Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho thị trường phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Để tận dụng được hết những cơ hội phát triển, ông Trần Quốc Trung khẳng định, cần nghiên cứu, xây dựng và đa dạng hóa mô hình phát triển khu công nghiệp như khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp liên kết ngành, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên sâu.
Đồng thời, hoàn thiện quy định của pháp luật về mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ để phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tạo môi trường sống, làm việc đẳng cấp cho chuyên gia, người lao động...