Ngăn chặn thực phẩm “bẩn” từ cơ sở

Xã hội - Ngày đăng : 05:03, 07/06/2019

(HNM) - Từ ngày 10-7 tới, Hà Nội sẽ triển khai mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn.


Củng cố năng lực công tác thanh tra

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong tháng 4 và tháng 5-2019, 30 quận, huyện, thị xã đã thành lập tổng số 684 đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, trong đó tuyến quận, huyện, thị xã là 82 đoàn; tuyến xã, phường, thị trấn là 602 đoàn. Nhờ đó đã tiến hành kiểm tra hơn 18.000 cơ sở, trong đó phát hiện 2.465 cơ sở vi phạm và xử phạt hành chính 892 cơ sở với số tiền hơn 3,6 tỷ đồng. Ngoài ra, có 52 cơ sở bị đóng cửa và 133 cơ sở bị tiêu hủy rượu, hoa quả, phụ gia thực phẩm, nước mắm, giò, cá thu… không nguồn gốc. Tuy nhiên, có 1.315 cơ sở vi phạm chỉ bị nhắc nhở.

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, việc hình thành và tăng cường hoạt động của lực lượng thanh tra an toàn thực phẩm ở tuyến quận, huyện và xã, phường đã góp phần tăng hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, nhất là từ sau khi Hà Nội thực hiện Quyết định 38/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 9-9-2015 về thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 5 quận, huyện, thị xã và 10 xã, phường, thị trấn.

Ngoài việc kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục các kiến thức, quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm.

Xét nghiệm nhanh các mẫu bát tại một nhà hàng trên địa bàn quận Tây Hồ.


Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Chung, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm tuyến cơ sở thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn, như: Hạn chế về nhân lực, thiếu cán bộ có chuyên môn về an toàn thực phẩm phụ trách tại từng địa phương, nhất là tuyến xã, phường do đội ngũ này vẫn chủ yếu là kiêm nhiệm.

Thêm vào đó, nhiều người được giao nhiệm vụ nhưng còn tâm lý ngại va chạm, nể nang, nhất là cán bộ ở cấp xã, phường. Do đó, việc xử lý vi phạm vẫn chủ yếu là nhắc nhở. Mặt khác, nhiều đơn vị, cơ sở, hộ kinh doanh thực phẩm nằm sâu trong ngõ, ngách, không có địa điểm cố định... cũng gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, rà soát và tổ chức thanh tra, kiểm tra.

Để nâng cao năng lực cho đội ngũ thanh tra an toàn thực phẩm tuyến cơ sở, nhất là tới đây khi Hà Nội chính thức mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã, từ đầu năm đến nay, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với Trường Cán bộ thanh tra tổ chức hơn 20 khóa bồi dưỡng nghiệp vụ về an toàn thực phẩm cho hơn 2.500 học viên là cán bộ, công chức các quận, huyện, xã, phường, thị trấn…

Ông Nguyễn Viết Thạch, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ thanh tra cho biết, trong quá trình học, các học viên được nghiên cứu 20 chuyên đề thuộc phần kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp trong hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…

Đặc biệt, các học viên còn được hướng dẫn chi tiết quy trình tiến hành một cuộc thanh tra an toàn thực phẩm; thanh tra việc thực hiện quy định về tự công bố sản phẩm và đăng ký bản công bố sản phẩm; thanh tra về ghi nhãn sản phẩm thực phẩm; thanh tra và xử lý vi phạm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố… Các khóa học sẽ giúp nâng cao năng lực và trình độ của cán bộ thanh tra an toàn thực phẩm tuyến cơ sở, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Tăng cường tần suất thanh tra

Để công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm phát huy hiệu quả, theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, với một địa bàn rộng, tập trung số lượng lớn các cơ sở kinh doanh thực phẩm như Hà Nội, việc nhân rộng mô hình thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 30 quận, huyện, thị xã là rất cần thiết.

Tuy nhiên, để mô hình này tiếp tục đạt được những hiệu quả đề ra, các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm.

Ngoài việc tăng tần suất thanh tra chuyên ngành, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung cho rằng, muốn hiệu quả cần thanh tra đột xuất các địa bàn trọng điểm, thức ăn đường phố..., trong đó tập trung kiểm tra những sản phẩm có nguy cơ cao, lấy mẫu xét nghiệm và truy xuất tận nguồn gốc nếu phát hiện sai phạm.

Sau khi xử lý vi phạm hành chính cần công khai danh sách các cơ sở vi phạm, các cơ sở bị đóng cửa và những cơ sở chấp hành tốt các quy định về an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết.

Ông Trần Văn Chung cũng đề nghị các quận, huyện trước khi triển khai thí điểm mô hình thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cần xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể. Điều quan trọng là việc triển khai thực hiện phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh kiểu hình thức.

Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn và cấp chứng chỉ nghiệp vụ chuyên ngành, chứng nhận tập huấn chuyên môn, kỹ thuật kiểm soát an toàn thực phẩm cho các cán bộ được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

Xuân Lộc