Khó khăn trong phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi
Nông nghiệp - Ngày đăng : 04:56, 07/06/2019
Mặc dù đã được UBND xã Đại Yên (huyện Chương Mỹ) cấp hóa chất và chủ động mua hơn 60kg vôi bột tiêu độc khử trùng chuồng nuôi và môi trường xung quanh… nhưng 5 con lợn của gia đình ông Tô Văn Tưởng ở thôn Yên Khê vẫn mắc bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Gia đình ông Tô Văn Tưởng đã tự nguyện hỗ trợ lực lượng chuyên trách của xã vận chuyển lợn để đưa đi tiêu hủy...
“Nhờ được thành phố hỗ trợ, nông dân bớt khó khăn, gia đình tôi đang mong nhận được tiền hỗ trợ để chuyển đổi ngành nghề" - ông Tưởng chia sẻ.
Theo ông Tô Quang Linh, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã Đại Yên, để giúp người chăn nuôi sớm nhận được tiền hỗ trợ, xã phân công cán bộ chuyên trách thống kê, lập tờ trình đề nghị huyện cấp kinh phí… Tuy nhiên, do vướng mắc trong xác định thời điểm áp mức giá hỗ trợ nên cần nhiều thời gian để hoàn thiện hồ sơ.
Thực tế, ngoài vấn đề hỗ trợ cho nông dân, còn một số vướng mắc nữa trong công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Cụ thể là phần lớn lao động trẻ, khỏe của các địa phương đi làm ăn xa quê hương nên rất khó huy động tham gia. Đơn cử, tại huyện Mỹ Đức, lực lượng nòng cốt trong Tổ vệ sinh môi trường và Tổ tiêu hủy lợn của xã Phúc Lâm chủ yếu do công an xã và dân quân tự vệ đảm nhận. Công việc vất vả, làm việc trong môi trường độc hại, thời gian làm việc kéo dài từ sáng sớm đến khoảng 20-21h, không có ngày nghỉ… nên một số người đã xin nghỉ với lý do sức khỏe không bảo đảm. Để kịp thời tiêu hủy lợn mắc bệnh, giảm nguy cơ lây lan bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, xã Phúc Lâm phải thuê thêm người.
Tuy nhiên, do thù lao chi trả cho lực lượng tiêu hủy lợn chỉ được 100 nghìn đồng/ngày làm việc và 200 nghìn đồng/ngày nghỉ, dịp lễ... nên xã gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuê lao động…
Tương tự, tại huyện Phú Xuyên, ông Nguyễn Huy Tiền, Phó Chủ tịch UBND xã Khai Thái cho biết thêm: Để kịp thời tiêu hủy lợn mắc bệnh đúng hướng dẫn, xã đã thuê 3 xe vận chuyển lợn đi tiêu hủy. Ngày đầu, chủ phương tiện chấp thuận mức thuê 80.000 đồng/chuyến song do thời gian thường trực ở xã kéo dài nên chủ phương tiện đề nghị tăng lên mức 150.000 đồng/chuyến; ngoài ra, xã còn phải thuê máy xúc nhỏ để đào hố tiêu hủy... Tuy nhiên, trong các quy định hiện hành, để thực hiện những phát sinh trên, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể…
Để nâng cao chất lượng công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi, các quận, huyện, thị xã đề xuất thành phố ban hành cơ chế, chính sách bồi dưỡng phù hợp cho người trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.
Cụ thể, theo quy định hiện hành của thành phố, mức chi tối đa cho cán bộ thú y và những người trực tiếp tham gia nhiệm vụ phòng, chống dịch là 100.000 đồng/người/ngày đối với ngày làm việc và 200.000 đồng/người/ngày đối với ngày nghỉ, dịp lễ, Tết… Với mức này áp vào thực tiễn là chưa thỏa đáng.
Ngoài ra, các đơn vị cũng đề nghị cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn cụ thể về định mức hỗ trợ kinh phí thuê máy móc, nhân công nhằm phục vụ công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
"Về kiến nghị của nông dân và lực lượng chức năng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã báo cáo Sở NN&PTNT trình các cấp có thẩm quyền để điều chỉnh. Trước mắt, các địa phương cần tiếp tục động viên nông dân và những người làm công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi thực hiện tốt việc tiêu hủy lợn mắc bệnh" - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn nêu rõ.