Phê chuẩn gia nhập Công ước số 98 là cần thiết và chín muồi
Chính trị - Ngày đăng : 15:09, 07/06/2019
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đến thời điểm này, việc Việt Nam phê chuẩn gia nhập Công ước số 98 là cần thiết và có thể khẳng định là đã chín muồi. Các quy định của Công ước số 98 hoàn toàn thực thi hiệu quả được, các điều kiện cam kết phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Việt Nam.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại hội trường. |
Công ước số 98 có 3 nội dung cơ bản: Bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử, chống công đoàn của người sử dụng lao động; bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động; những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí.
Thảo luận về nội dung này, nhìn chung, các đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội; khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến tới ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Khẳng định việc gia nhập Công ước số 98 là rất cần thiết, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình) nhấn mạnh, tham gia vào công ước này chính là xây dựng khung khổ pháp luật để bảo đảm thỏa ước thương lượng tập thể cho quá trình thương lượng tập thể được công khai, minh bạch, hiệu quả, bảo vệ các tổ chức, cá nhân không bị đối xử bất bình đẳng. Đặc biệt, việc tham gia đáp ứng yêu cầu thực tiễn của nền kinh tế Việt Nam, nhất là thời gian qua khi thương lượng tập thể chưa thực sự hiệu quả và chưa bảo đảm được quyền lợi của người lao động cũng như quyền lợi của người sử dụng lao động.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận về nhiều nội dung cụ thể, như: Cần luật hóa trong các quy định pháp luật để bảo đảm sự bình đẳng giữa hai chủ thể trong thương lượng tập thể giữa tổ chức của người lao động và tổ chức của người sử dụng lao động; nghiên cứu tái cơ cấu lại quỹ công đoàn...
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội) đề nghị, tiếp tục cụ thể hóa, luật hóa trong Bộ luật Lao động về vấn đề thương lượng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật lao động và pháp luật về đầu tư. Ngoài ra, cần quan tâm tới việc phối hợp giữa ba bên: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc phối hợp chăm lo, bảo vệ người lao động.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội về nội dung, kỹ thuật lập pháp, nhất là những nội dung cam kết quốc tế, để hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội thông qua vào ngày 14-6 tới.
* Trước đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã xin ý kiến đại biểu bằng hệ thống điện tử về một nội dung của dự thảo Luật Kiến trúc và một nội dung trong phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng chung và nguồn vốn còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.