Nhất trí đề xuất bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao có từ nguồn Thẩm phán cao cấp
Chính trị - Ngày đăng : 19:45, 07/06/2019
Trong quá trình thảo luận, đã có 7 đại biểu phát biểu ý kiến, 1 đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết nhằm kịp thời bổ sung nguồn Thẩm phán cao cấp để đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, bảo đảm hoạt động bình thường của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao và bảo đảm điều kiện để kiện toàn lãnh đạo Tòa án nhân dân Tối cao.
Các đại biểu cũng thống nhất với tên gọi, phạm vi điều chỉnh của nghị quyết, đồng thời, tập trung thảo luận về các nội dung: Tình hình triển khai thi hành Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2004 và Nghị quyết số 81/2014/QH13; thực tế và nguyên nhân dẫn đến thiếu nguồn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao trong giai đoạn hiện nay và giải pháp khắc phục...
Các đại biểu nhất trí với đề xuất “Từ nay đến ngày 1-2-2022, cho phép Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao trong đó có từ nguồn Thẩm phán cao cấp có đủ tiêu chuẩn, điều kiện luật định nhưng chưa đủ 5 năm làm Thẩm phán cao cấp”. Một số ý kiến cho rằng, do vị trí, vai trò quan trọng của Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao nên để bảo đảm chất lượng thì cần kèm theo điều kiện: Để bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải có thời gian giữ ngạch Thẩm phán cao cấp tối thiểu là 30 tháng hoặc 36 tháng.
Tuy nhiên, theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Huyền Mai, nếu sửa nghị quyết kèm theo điều kiện là để bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao phải có thời gian giữ ngạch thẩm phán cao cấp từ 30 đến 36 tháng thì rõ ràng sẽ không tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc trong việc thiếu nguồn bổ nhiệm, đồng thời cũng là nguồn lãnh đạo Tòa án nhân dân Tối cao.
“Điều kiện này cũng sẽ ”phũ phàng” loại đi nguồn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao từ 142 Thẩm phán cao cấp hiện được bổ nhiệm từ năm 2017 đến nay và sẽ không đạt được yêu cầu cấp thiết của việc trình Quốc hội trong việc sửa Nghị quyết số 81/2014/QH13 lần này”, đại biểu nhấn mạnh.