Bịt kẽ hở pháp lý
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:28, 08/06/2019
Thực tế, chuyện “vỡ hụi” không mới, nhưng bài học rút ra lại như mới, nơi này tạm lắng thì nơi khác lại nổi lên. Mặc dù là hoạt động tự nguyện, nhưng với khả năng huy động vốn nhanh, dễ dàng và nhất là cơ chế ràng buộc bằng “lòng tin là chính”, các dây hụi lỏng lẻo về pháp lý chính là mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản…
“Vỡ hụi”, đối với cả dạng tính lãi và không tính lãi, đều đẩy nhiều gia đình tới xáo trộn nghiêm trọng, khi đó hoạt động này sẽ không còn trong phạm vi cá nhân, nhóm cộng đồng mà trở thành vấn đề gây mất ổn định xã hội, thậm chí là vi phạm pháp luật.
Làm thế nào để bài học cảnh giác trở thành bài học thường trực của cộng đồng, nhất là trong điều kiện người dân nhiều nơi còn “đói vốn” và thói quen cả nể, tự do, hám lợi… trong nhiều hoạt động của đời sống thì lại thường trực?
Trước hết, phải huy động vai trò của chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp trong việc phát hiện sớm những trường hợp “tín dụng đen” biến tướng từ chơi hụi; hỗ trợ người dân tiếp cận những nguồn vốn vay hiệu quả. Đặc biệt, cần tuyên truyền tới tận cơ sở, người dân những nội dung pháp lý rất thiết thực cho vấn đề này theo Nghị định số 19/2019/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 19-2-2019. Đó là nguyên tắc tổ chức hụi; điều kiện làm thành viên, chủ hụi; văn bản thỏa thuận về hụi; lãi suất; quyền và trách nhiệm pháp lý của thành viên, chủ hụi… Đơn cử, nếu thực hiện tốt việc chủ hụi phải đăng ký với chính quyền cơ sở, tránh lối thỏa thuận miệng để “lời nói gió bay”, chắc chắn sẽ giúp người chơi hụi bớt một nguy cơ “trắng tay”, khi vừa mất tiền, vừa không có điểm tựa về pháp lý…
Tương tự, nhiều nguyên tắc cơ bản của chơi hụi về sổ sách, thỏa thuận… phải được xem như điều thiết yếu mà người chơi nên làm, phải làm. Đây chính là những căn cứ mang lại cho người chơi hụi, cầm hụi sự hỗ trợ quan trọng. Một là: Khiến các đối tượng có ý định lừa đảo phải e dè hơn khi muốn đẩy người chơi vào thế “tay trắng”. Hai là: Giúp bảo vệ quyền lợi người chơi khi xảy ra “vỡ hụi”, hoặc tranh chấp về lợi ích…
Thực tế, các quy định pháp luật không phải khi nào cũng bao trùm đầy đủ, cũng như điều chỉnh kịp những hành vi phát sinh trong đời sống, vì vậy sự chủ động của người dân được xem là một cách phòng ngừa quan trọng. Bên cạnh việc thận trọng tìm hiểu thân nhân chủ hụi, về sự chặt chẽ của đường dây chơi hụi, mỗi người cần cảnh giác với những mối lợi dễ có một cách thiếu cơ sở. Chia sẻ thông tin về việc chơi hụi với người thân và đòi hỏi thực hiện các nguyên tắc về chơi hụi chặt chẽ cũng là cách để người chơi không rơi vào thế bị động, bị lừa đảo.
Về lâu dài, hệ thống pháp luật liên quan vấn đề này cần tiếp tục được hoàn thiện nhằm ngăn chặn được những hành vi biến tướng, phát sinh của chơi hụi như “tín dụng đen”... Đặc biệt, hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng hình thức cho vay nặng lãi phải được xử lý nghiêm và đủ sức răn đe nhằm giúp người dân, cộng đồng không ngừng nâng cao cảnh giác. Các tổ chức tín dụng tiếp tục phát triển các dịch vụ cho vay thuận lợi, phù hợp với người lao động ở nông thôn…
Xóa điểm yếu pháp lý từ khâu phòng ngừa cho tới xử lý trong chơi hụi chính là để hoạt động này phát triển lành mạnh trong khuôn khổ pháp luật, vì lợi ích chung.