Nga - Trung Quốc: Hướng tới giá trị cốt lõi

Thế giới - Ngày đăng : 06:24, 08/06/2019

(HNM) -  Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa kết thúc với những tín hiệu vô cùng khả quan.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Mátxcơva.


Tuyên bố chung giữa Nga và Trung Quốc cho thấy, hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ hơn trong các vấn đề quốc tế như Syria, Iran và Triều Tiên. Về vấn đề Syria, lãnh đạo hai nước khẳng định, cần giải quyết cuộc khủng hoảng Syria bằng các biện pháp chính trị - ngoại giao. Đối với Venezuela, Nga và Trung Quốc kêu gọi trợ giúp một giải pháp hòa bình cho quốc gia Nam Mỹ này để tránh một cuộc can thiệp quân sự. Hai bên cũng bày tỏ quan ngại về hành động của “các nước phá hoại những nguyên tắc về kiểm soát vũ khí vì lợi ích của riêng mình”, loại bỏ các cơ chế duy trì ổn định. Mátxcơva và Bắc Kinh cũng nhấn mạnh, cần bảo vệ hợp tác kinh tế cùng có lợi với Iran, chống lại các biện pháp trừng phạt đơn phương.

Những nội dung trong tuyên bố chung cho thấy, Bắc Kinh và Mátxcơva đang muốn hình thành liên minh để đối phó với những áp lực từ Mỹ. Bản thân chuyến thăm Nga lần này của nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng sẽ tạo cho Bắc Kinh có thêm sức mạnh trong các cuộc cạnh tranh với Mỹ. Việc xích lại gần nhau dường như là tất yếu trong bối cảnh cả Trung Quốc và Nga đang đối mặt với những khó khăn tương tự nhau.

Theo các nhà phân tích, hiện nay, Mátxcơva đang bị phương Tây cấm vận, còn Bắc Kinh cũng sa vào chiến tranh thương mại với những "kìm kẹp" không khác gì cấm vận. Thỏa thuận nhất trí sử dụng đồng nội tệ của hai nước trong các giao dịch thương mại song phương cho thấy nỗ lực chung nhằm giảm lệ thuộc vào đồng USD cũng như hệ thống thanh toán quốc tế mà Mỹ đang chi phối.

Trao đổi thương mại vẫn là xương sống trong quan hệ song phương Nga - Trung Quốc, và đó cũng là lựa chọn hợp lý để hai bên tăng cường độ tin cậy lẫn nhau. Trung Quốc hiện là khách hàng năng lượng hàng đầu của Nga (đóng góp khoảng 40% nguồn thu hằng năm), còn Mátxcơva đang đứng trước cơ hội xuất khẩu nông sản lớn cho nước láng giềng khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản từ Mỹ. Các doanh nghiệp lớn của mỗi nước đang bế tắc trước những "cấm đoán" của phương Tây có thể tìm thấy lối thoát tạm thời ngay ở nước láng giềng, điển hình là việc Tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei đã ký thỏa thuận với Hãng viễn thông Nga MTS để phát triển mạng 5G tại xứ sở Bạch dương.

Việc tăng cường trao đổi thương mại cũng phù hợp với mong muốn của Mátxcơva, vốn đang tìm cách thu hút đầu tư từ Trung Quốc để bù đắp cho mối quan hệ đổ vỡ với phương Tây từ sau xung đột Ukraine hồi năm 2014. Theo South China Morning Post, trong khuôn khổ cuộc gặp thượng đỉnh lần này, hai bên đã ký các hợp đồng hợp tác giá trị hơn 20 tỷ USD, và dự kiến sẽ đẩy thương mại song phương lên khoảng 200 tỷ USD mỗi năm trong thời gian tới. Tại Diễn đàn doanh nghiệp St. Petersburg diễn ra tại Nga vào cuối tuần này, khoảng 1.000 quan chức và giám đốc điều hành các doanh nghiệp Trung Quốc dự kiến sẽ tham dự, và là phái đoàn nước ngoài lớn nhất góp mặt tại sự kiện.

Có thể thấy, cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Trung Quốc có được kết quả tích cực đã không nằm ngoài dự đoán của các nhà phân tích. Tuy nhiên, cũng theo giới quan sát, để mối quan hệ song phương tiếp tục phát triển lành mạnh và bền vững, cả Bắc Kinh và Mátxcơva cần nỗ lực xây dựng mối quan hệ dựa trên tầm nhìn tích cực, dài hạn. Nói cách khác, các quan hệ hợp tác phải hướng tới giá trị cốt lõi vì sự ổn định chung, thay vì dựa trên những toan tính tạm thời do bị sức ép từ các nước phương Tây.

Hoàng Linh