Thúc chiều cao cho trẻ coi chừng “tiền mất tật mang”
Sức khỏe - Ngày đăng : 16:32, 09/06/2019
Thừa canxi hậu quả khôn lường
Bên cạnh việc đầu tư kiến thức cho con trẻ, cải thiện vóc dáng của thế hệ tương lai đang là mục tiêu quan trọng được các bậc phụ huynh đặt ra. Tuy nhiên, việc tìm hiểu thông tin thiếu tính kiểm chứng đang khiến nhiều bậc cha mẹ vô tình đẩy con trẻ vào những nguy cơ của tình trạng tồn dư canxi trong cơ thể.
Đó là trường hợp của bé Nguyễn Văn Th (8 tuổi, ngụ tại quận 8, TP Hồ Chí Minh) cháu được mẹ đưa đến gặp bác sĩ sau thời gian dài có biểu hiện mệt mỏi, buồn nôn, táo bón. Qua khai thác bệnh sử người mẹ cho hay, với hi vọng con có thể cao lớn, từ khi con chào đời, chị đã bổ sung sữa có hàm lượng canxi cao. Sau 4 tuổi, chị tiếp tục thúc cho con bằng cách liên tục bổ sung viên uống canxi đặt mua trên mạng internet theo hình thức giao hàng tận nhà.
Phụ huynh cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để có giải pháp hiệu quả giúp các bé tối ưu hóa chiều cao. |
Qua các kết quả xét nghiệm, bác sĩ xác định bệnh nhi bị thừa canxi, khiến cơ thể giảm hấp thu các khoảng chất dạng sắt, kẽm, magiê, phốt pho… Mặt khác, bệnh nhi đang đối mặt với những nguy cơ khác như vôi hóa thận, sỏi thận, cường giáp, bệnh lý tim mạch. Hàm lượng can xi trong máu tăng cao khi đi vào xương sẽ làm cứng xương sớm gây hạn chế sự phát triển của xương khiến trẻ chẳng những không phát triển được chiều cao mà còn đối diện với nguy cơ bị lùn vì cốt hóa xương sớm.
Không chỉ có canxi nhiều phụ huynh còn tin vào quảng cáo chuyển sang sử dụng thực phẩm chức năng có chứa hormone sinh trưởng cho trẻ. Tại Chương trình tầm soát tăng trưởng chiều cao ở trẻ em chưa dậy thì (ngày 8-6) BS Nguyễn Thị Thư Hương, khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho hay: “Rất nhiều cha mẹ khi đưa con đến khám bệnh cho biết, có cho trẻ sử dụng thực phẩm bổ sung hormone tăng trưởng nhưng không thấy trẻ tăng chiều cao. Nhiều phụ huynh khác còn cảnh giác hơn thì hỏi chúng tôi về việc có nên bổ sung hormon tăng trưởng qua đường ăn uống hay không. Đến nay, tất cả các nghiên cứu trên thế giới đều khẳng định sử dụng hormone tăng trưởng qua đường ăn uống hoàn toàn không có tác dụng trong việc tăng chiều cao cho trẻ”.
Cần điều trị đúng nguyên nhân để giúp trẻ tối ưu chiều cao
Phân tích của BS Thư Hương chỉ ra: “Chậm tăng trưởng chiều cao do nhiều nguyên nhân khác nhau gồm: Suy tuyến giáp khiến cơ thể tiết không đủ hormone để tác động lên sự tăng trưởng và chuyển hóa; tiền sử gia đình cho chiều cao khiêm tốn sẽ ảnh hưởng đến vóc dáng của trẻ; thai nhi bị suy dinh dưỡng trong bụng mẹ khi sinh ra bị nhẹ cân; trẻ có bất thường về nhiễm sắc thể X (Hội chứng Turner); trẻ bị hội chứng Down; trẻ bị thiếu máu (hồng cầu lưỡi liềm); trẻ mắc các bệnh mạn tính; trẻ bị suy dinh dưỡng sau sinh…”.
Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng nhưng còn khá mới lạ, nhận thức của cộng đồng chưa cao là nhóm trẻ bị chậm phát triển do thiếu nội tiết tố tăng trưởng hay còn gọi là hormone tăng trưởng (chiếm tỷ lệ khoảng 1/4000 trẻ). Đây là tình trạng cơ thể gặp vấn đề khi sản xuất và phóng thích hormone tăng trưởng không đủ đáp ứng nó có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải do tổn thương tuyến yên, chấn thương đầu nặng, u não, viêm màng não hoặc không xác định được nguyên nhân.
Trẻ cần được kiểm tra chiều cao, cân nặng mỗi 3 tháng hoặc 6 tháng 1 lần để phát hiện chậm tăng trưởng. |
Có rất nhiều các yếu tố khiến trẻ bị “lùn” nhưng tâm lý chung của hầu hết phụ huynh đều chỉ nghĩ đến nguyên nhân dinh dưỡng. Phụ huynh rất dễ mắc phải những sai lầm trong việc thúc tăng trưởng chiều cao cho con trẻ nếu tự tìm hiểu thông tin, tự điều trị. Đưa con đến gặp bác sĩ để được thăm khám, tư vấn, có giải pháp hỗ trợ hợp lý cho từng trường hợp cụ thể là việc phụ huynh cần hành động để giúp con em mình.
Bác sĩ khẳng định, không thể dùng một biện pháp để áp đặt cho tất cả những trẻ bị chậm tăng trưởng, điều đó chẳng những không mang lại hiệu quả mà còn có nguy cơ phản tác dụng. Để mang lại hiệu quả tối ưu trong việc chăm sóc con trẻ, bác sĩ khuyến cáo các bậc cha mẹ cần phải trang bị những kiến thức cần thiết qua những tài liệu đã được kiểm chứng.
Mỗi gia đình có trẻ nhỏ gặp vấn đề về chậm tăng trưởng cần đưa bé đi gặp bác sĩ nhi tổng quát, bác sĩ dinh dưỡng. Nếu xác nhận bé không có bệnh lý, không bị suy dinh dưỡng thì phụ huynh nên đưa trẻ đi khám bác sĩ nội tiết để được tầm soát bệnh lý thiếu hormone tăng trưởng.
Trẻ sẽ được chụp X-quang xương bàn tay, xét nghiệm máu, chụp MRI sọ não. Thông qua việc bổ sung qua đường tiêm, bác sĩ có thể giúp những trẻ được xác định bị thiếu hormone tăng trưởng thoát khỏi nguy cơ thấp còi.