Các vùng trồng vải miền Bắc: Thêm một mùa bội thu
Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:35, 10/06/2019
Niềm vui được mùa
Những ngày này, con đường dẫn đến huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) luôn tấp nập các chuyến xe tải ra - vào đầy ắp quả vải tươi chở đi các tỉnh và xuất khẩu. Không giấu được niềm vui, ông Nguyễn Thanh Toàn ở thôn Kép 1, xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn) cho biết: Toàn bộ 1,5ha trồng vải của gia đình đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên sản lượng ổn định, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp. Hiện thương lái vào tận vườn thu mua với giá trung bình từ 35.000 đến 45.000 đồng/kg, tăng hơn 20% so với năm 2018.
Còn ông Nguyễn Hữu Tạo cũng ở thôn Kép 1 chia sẻ: Với hơn 1ha trồng vải thiều được cấp chứng nhận xuất khẩu sang Mỹ, đến nay 2/3 sản lượng vải của gia đình đã được hợp tác xã đặt mua xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc.
Nông dân huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) thu hoạch vải thiều. |
Hiện hầu hết các vườn trồng vải thiều tại các huyện Tân Yên, Lục Ngạn… của tỉnh Bắc Giang trồng theo tiêu chuẩn VietGAP đều bán được giá cao. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái, tỉnh Bắc Giang có diện tích trồng vải lớn nhất cả nước (hơn 28.000ha). Vải thiều Bắc Giang đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia.
Năm 2019, mặc dù thời tiết không thuận lợi, nhưng nông dân trồng vải Bắc Giang đã đẩy mạnh ứng dụng quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nên chất lượng đạt mức tốt nhất so với những năm qua. Trong đó, sản lượng ước đạt 150.000 tấn, tiêu thụ trong nước khoảng 50%, còn lại là xuất khẩu.
Tương tự, tại vùng trồng vải thiều Hải Dương, nông dân cũng đang tất bật thu hoạch vải. Bà Nguyễn Thu Hương, xã Trường Thành, huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) bày tỏ: Đầu vụ, gia đình bán 3 tạ quả vải tươi (loại u trứng đặc sản) với giá gần 70.000 đồng/kg, thu về 20 triệu đồng. Tính cả vụ, gia đình thu lãi cao gần hai lần so với năm 2018, trong khi sản lượng vải quả chỉ bằng 2/3…
Tỉnh Hải Dương hiện có 11.000ha trồng vải, tập trung ở huyện Thanh Hà và thành phố Chí Linh. Riêng huyện Thanh Hà có hơn 3.700ha trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện, giá vải đầu vụ tại vườn ở Hải
Dương dao động 50.000-60.000 đồng/kg. Bí thư Huyện ủy Thanh Hà Nguyễn Đức Tuấn cho biết: Doanh nghiệp và nông dân trồng vải Thanh Hà đang chuẩn bị những lô quả vải xuất khẩu sang Nga, Đức, Pháp, Hàn Quốc…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam khẳng định, năm nay người trồng vải ở miền Bắc đón nhận nhiều niềm vui bởi giá bán vải cao, thị trường xuất khẩu thuận lợi. Hiện vải thiều là một trong những trái cây chủ lực của miền Bắc với tổng diện tích hơn 58.800ha, tập trung tại các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương… Sản lượng quả vải tươi thu hoạch đạt khoảng 300.000-350.000 tấn/năm, đứng thứ 3 thế giới (sau Trung Quốc, Ấn Độ). Đáng mừng, tỷ lệ quả vải xuất khẩu tăng đáng kể, chiếm khoảng 50%…
Tháo gỡ khó khăn, gia tăng giá trị
Mặc dù đạt nhiều kết quả khả quan, song đường đi của quả vải vẫn còn không ít khó khăn. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) Cao Văn Hoàn cho hay, những năm gần đây, nông dân tích cực ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhưng khâu chế biến, bảo quản còn một số hạn chế nên quả vải Lục Ngạn chưa đạt giá trị tương xứng. Ngoài ra, việc đáp ứng các yêu cầu từ nước nhập khẩu đang gặp một số vướng mắc đối với doanh nghiệp xuất khẩu quả vải tươi.
Theo ông Vũ Đào, Giám đốc Công ty TNHH Phong Sơn Tiệm, nguyên nhân chủ yếu là do mỗi thị trường có những tiêu chuẩn riêng, khi có thay đổi, doanh nghiệp rất khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, nhất là về vùng trồng, mã vùng, thông quan, chiếu xạ…
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên và hướng tới phát triển bền vững, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để hỗ trợ về giống, kỹ thuật, từ đó nhân rộng diện tích vải đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Bộ NN&PTNT cũng tiếp tục tham mưu Chính phủ có chính sách ưu đãi về vay vốn, thuê đất… để doanh nghiệp liên kết với nông dân đầu tư sản xuất vải theo chuỗi, trong đó chú trọng xây dựng hệ thống bảo quản, sơ chế... nhằm gia tăng giá trị trong xuất khẩu quả vải.
Liên quan đến vùng trồng và mã vùng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Hoàng Trung đề nghị các địa phương và cơ sở đóng gói được cấp mã vùng cập nhật trên trang thông tin của Cục Bảo vệ thực vật để người dân, doanh nghiệp thuận lợi khi tìm hiểu, tra cứu.
Để giảm chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội hoàn thiện trang thiết bị, dây chuyền vận hành chiếu xạ cho các lô hàng xuất khẩu. Với những nỗ lực của Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện việc chiếu xạ vải thiều xuất khẩu so với trước đây đã giảm từ 15 đến 16 triệu đồng/tấn...
Còn đối với thị trường truyền thống Trung Quốc, mới đây Cục Bảo vệ thực vật có văn bản yêu cầu cơ quan kiểm dịch thực vật tại các tỉnh: Lạng Sơn, Lào Cai... phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng tại cửa khẩu và cơ quan kiểm dịch Trung Quốc đẩy nhanh quá trình kiểm dịch nhằm tạo điều kiện để quả vải được thông quan nhanh nhất.
"Về lâu dài, các vùng trồng vải cần tập trung nâng cao chất lượng, liên kết hình thành các chuỗi sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ phía thị trường nhập khẩu và người tiêu dùng trong nước", ông Hoàng Trung nhấn mạnh.