Thẩm phán cao cấp chưa đủ 5 năm vẫn được bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao
Chính trị - Ngày đăng : 14:27, 10/06/2019
Tại báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, qua thảo luận tại tổ và tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đều tán thành cao với sự cần thiết phải ban hành, phạm vi điều chỉnh và nội dung dự thảo Nghị quyết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy, việc thiếu nguồn bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao là vấn đề cấp bách đang phát sinh trong thực tiễn thi hành Luật Tổ chức tòa án nhân dân, nếu không được giải quyết kịp thời thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao và việc kiện toàn lãnh đạo TAND Tối cao.
Do đó, UBTVQH đã xin phép Quốc hội cho bổ sung nội dung này vào chương trình kỳ họp và đã được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 6-6. UBTVQH xin Quốc hội cho phép ban hành Nghị quyết này theo trình tự, thủ tục rút gọn theo “trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn” quy định tại khoản 1 Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
UBTVQH cũng nhận thấy, những khó khăn trong việc thiếu nguồn bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao chỉ phát sinh trong giai đoạn quá độ hiện nay khi chuyển giao giữa Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2002 với Luật mới năm 2014. Từ năm 2022 trở đi thì nguồn Thẩm phán cao cấp để bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao được bảo đảm, đáp ứng được yêu cầu của công tác cán bộ. Vì vậy, từ năm 2022 trở đi sẽ không phải sửa Nghị quyết số 81 và cũng không cần thiết sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 69 Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014.
Trước ý kiến đề nghị để bảo đảm chất lượng Thẩm phán TAND Tối cao thì cần quy định thêm điều kiện để được xem xét, bổ nhiệm làm Thẩm phán TAND Tối cao theo Nghị quyết này là đã giữ ngạch Thẩm phán cao cấp tối thiểu là 12 tháng, 30 tháng hoặc 36 tháng.
“UBTVQH nhận thấy, ý kiến của đại biểu là xác đáng. Tuy nhiên, trong giai đoạn quá độ hiện nay, do nguồn bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao đang gặp nhiều khó khăn nên đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Nghị quyết.
UBTVQH lưu ý Chánh án TAND Tối cao trong quá trình tổ chức thực hiện, khi lựa chọn các nhân sự cụ thể cần cân nhắc thận trọng, bảo đảm đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn luật định nhưng chú ý lựa chọn những người đã có thời gian nhất định giữ ngạch Thẩm phán cao cấp, đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của Thẩm phán TAND Tối cao, tránh bổ nhiệm những người có thời gian giữ ngạch thẩm phán cao cấp quá ngắn”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu.
Qua biểu quyết, có 420 đại biểu tán thành (chiếm 86,78% tổng số đại biểu Quốc hội). Như vậy, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 21-11-2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24-11-2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức tòa án nhân dân gồm 2 điều. Trong đó, điều 1 quy định “kể từ ngày 10-6-2019 đến ngày 1-2-2022, cho phép Chánh án TAND Tối cao trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao trong đó có từ nguồn Thẩm phán cao cấp có đủ tiêu chuẩn, điều kiện luật định nhưng chưa đủ 5 năm làm Thẩm phán cao cấp”.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10-6-2019.