Xử lý ô nhiễm hồ tại Hà Nội: Hiệu quả rõ rệt
Công nghệ - Ngày đăng : 07:40, 11/06/2019
Việc xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng nước hồ được người dân ghi nhận, đánh giá cao. Ảnh: Nguyễn Hoàng |
Hồi sinh những “lá phổi xanh”
Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu và cộng đồng môi trường (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho thấy, năm 2015 chỉ có 2% trong số gần 200 sông, hồ được lấy mẫu tại Hà Nội đạt yêu cầu về chất lượng nước theo Quy chuẩn Việt Nam. Con số này cho thấy, phần lớn hồ tại Hà Nội bị ô nhiễm, trong đó có những hồ nước bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân khu vực.
Với mong muốn hồi sinh những “lá phổi xanh” của thành phố, việc xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng nước hồ đã được thành phố đặc biệt quan tâm, tìm giải pháp, công nghệ xử lý. Bà Trần Lương Hiền, Phụ trách Trung tâm Kiểm nghiệm môi trường nước, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội chia sẻ, thành phố đã tìm hiểu nhiều công nghệ xử lý khác nhau để lựa chọn phương án phù hợp nhất với điều kiện của Hà Nội.
Cụ thể, từ năm 2015 trở về trước, Hà Nội đã thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước 12 hồ trên địa bàn. Theo đó, đã có 4 giải pháp được đưa ra thí điểm: Công nghệ quản lý tổng hợp các thủy vực do Công ty cổ phần Xanh thực hiện, xử lý giảm thiểu ô nhiễm nước mặt tại các hồ: Quỳnh, Ngọc Khánh, Xã Đàn, Thanh Nhàn 1, Thanh Nhàn 2B,... Giải pháp tổ hợp sinh học kết hợp với phương pháp kết tủa của Viện Hóa học (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) thí điểm xử lý tại hồ Hai Bà Trưng; Công nghệ cơ - sinh - hóa học (Trung tâm Nghiên cứu công nghệ môi trường và phát triển bền vững) thí điểm tại hồ Kim Liên; Công nghệ vi sinh IDRA BEL của Viện Châu Âu - Á - Phi - Mỹ Latinh phối hợp với Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường - Tổng cục Môi trường) áp dụng tại hồ Võ (Văn Quán - Hà Đông)... "Sau quá trình thí điểm, tại một số hồ nước đã trong hơn, mùi hôi đã giảm. Tuy nhiên, các công nghệ này còn nhiều bất cập về quy trình, công nghệ xử lý và giá thành cao, nên khó áp dụng” - bà Hiền cho biết.
Từ tháng 7-2016, chế phẩm Redoxy-3C của Cộng hòa Liên bang Đức được thực hiện thí điểm tại 3 hồ nước ô nhiễm khá nặng là: Giáp Bát (quận Hoàng Mai); Hố Mẻ, Ba Mẫu (quận Đống Đa). Bà Trần Lương Hiền cho hay: “Việc thử nghiệm được thực hiện trong cả phòng thí nghiệm và ngoài hiện trường, theo 3 bước: Lấy và phân tích mẫu trước khi xử lý; phun và rải chế phẩm Redoxy-3C, phân tích mẫu sau thử nghiệm. Kết quả thu được cho thấy, các thông số thủy sinh hóa không còn vượt ngưỡng cho phép. Đặc biệt, chỉ sau 24 giờ đã thấy rõ hiệu quả xử lý. Nước hồ sau xử lý đã trong xanh, không còn hiện tượng cá chết, không còn mùi hôi như trước đây".
Tiếp tục duy trì chất lượng nước hồ
Có mặt tại hồ Ba Mẫu (quận Đống Đa) vào ngày nắng hè oi ả, phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận có nhiều người dân khu vực ra ven hồ ngồi chơi, hóng gió. Ông Phạm Văn Thảo, số nhà 52, ngõ 81 đường quanh hồ Ba Mẫu (phường Phương Liên) cho biết: Từ những năm 2008, hồ Ba Mẫu bị ô nhiễm trầm trọng. Lòng hồ không được nạo vét bùn; mặt hồ phủ kín bèo, rác thải. Người dân hầu như không ai ra khu vực gần hồ vì mùi hôi thối. Từ năm 2016, sau khi được cải tạo và phun rải chế phẩm Redoxy-3C, môi trường hồ được cải thiện rõ rệt. Hồ Ba Mẫu bây giờ đúng nghĩa là “lá phổi xanh”.
Hồ Ngọc Khánh (quận Ba Đình) giờ đây cũng là điểm đến thư giãn, tập thể dục của người dân. Bà Nguyễn Ngọc Hương (ngõ 206, phố Kim Mã) chia sẻ: Trước đây, hồ Ngọc Khánh không khác gì hồ chết, đầy bèo, rác, bùn và mùi hôi thối. Năm 2015, thành phố tiến hành cải tạo, tách hệ thống nước thải, song mùi hôi thối vẫn không giảm. Sau khi thành phố thực hiện việc xử lý chất lượng nước hồ bằng chế phẩm sinh học Redoxy-3C, tình trạng này đã không còn xảy ra.
Là một trong những nhà khoa học đồng hành cùng chương trình thử nghiệm xử lý ô nhiễm hồ của Hà Nội, giáo sư Mai Đình Yên, Phó Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam, chuyên gia về môi trường nước đánh giá: “Redoxy-3C là chế phẩm tốt nhất trong các loại hóa chất mà Hà Nội từng dùng để xử lý ô nhiễm hồ. Chế phẩm này đã phát huy hiệu quả khi áp dụng tại các hồ bị ô nhiễm. Môi trường nước trong sạch hơn, các chỉ số ôxy hòa tan đạt ngưỡng cho phép, giúp hệ sinh thái, thủy sinh phát triển tốt”.
Không chỉ cho hiệu quả xử lý nhanh, theo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, việc ứng dụng công nghệ Redoxy-3C trong xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng nước hồ có chi phí giảm khoảng 2/3 so với sử dụng các phương pháp trước đây. Ông Phan Hoài Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, sau thử nghiệm thành công, đến năm 2017 việc xử lý ô nhiễm môi trường hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C đã được UBND thành phố chấp thuận cho triển khai nhân rộng. Đến nay, công ty đã xử lý chất lượng nước bằng chế phẩm Redoxy-3C tại 90 hồ nội thành và 50 hồ ở ngoại thành; duy trì xử lý hằng năm theo đúng quy trình được phê duyệt.
Cùng với lắp đặt bè thủy sinh, máy sục khí, nạo vét hồ, các hồ nước tại Hà Nội đã thực sự trở thành những “lá phổi xanh” điều hòa không khí cho cả khu vực, với môi trường hồ xanh sạch, cảnh quan đẹp, được người dân ghi nhận, đánh giá cao.