Phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa ở cơ sở

Văn hóa - Ngày đăng : 07:33, 11/06/2019

(HNM) - Qua khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội, hiện thành phố mới có 92,2% thôn, làng và 31% tổ dân phố có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội khảo sát thiết chế văn hóa cơ sở tại quận Tây Hồ.


Chưa khai thác hết công năng

Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Trần Thị Lan Anh cho biết, thành phố Hà Nội có 2.330 thôn, làng có nhà văn hóa (chiếm 92,2%) và 1.689 tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng (chiếm 31%). Việc đầu tư xây dựng nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng gặp khó khăn (khu vực nội thành thì thiếu đất, khu vực ngoại thành thì thiếu kinh phí); hoạt động còn nghèo nàn, phần lớn mới chỉ đáp ứng cho việc hội họp, chưa khai thác mở rộng sang hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở.

Cụ thể, huyện Chương Mỹ còn 29 thôn, xóm chưa có nhà văn hóa. Mặc dù, địa bàn huyện đã có 190 nhà văn hóa thôn, xóm được xây mới, sửa chữa, song hoạt động cũng chưa thực sự hiệu quả. Trưởng thôn Đồi 1 (xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ) Phạm Văn Tự cho biết, Nhà văn hóa thôn Đồi 1 được xây dựng trị giá hơn 1 tỷ đồng, đưa vào sử dụng năm 2018, nhưng mới chỉ tổ chức hội họp được vài lần.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Trần Công Thành cho biết, dù còn nhiều khó khăn, nhưng năm 2018, UBND huyện đã phân bổ, dành nguồn thu từ tiền sử dụng đất và chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới để xây dựng mới 9 nhà văn hóa; nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 12 nhà văn hóa; mua sắm trang thiết bị cho 16 nhà văn hóa cấp thôn. Năm 2019, UBND huyện tiếp tục đầu tư xây dựng mới 10 nhà văn hóa thôn, chỉ còn 7 thôn chưa có nhà văn hóa.

Qua khảo sát cho thấy, huyện Phú Xuyên mới quan tâm đầu tư về xây dựng trụ sở, trang thiết bị còn nghèo nàn, chỉ có bàn ghế dành cho hội họp. Trưởng ban Công tác mặt trận thôn An Khoái (xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên) Vũ Thị Láp chia sẻ, nhà văn hóa thôn được xây dựng từ nguồn ngân sách huyện trị giá 1 tỷ đồng, vận động xã hội hóa gần 2 tỷ đồng đưa vào sử dụng năm 2017. Nhưng thực tế, tại đây mới chỉ diễn ra các cuộc họp của thôn cùng một số hoạt động văn hóa, văn nghệ, mà chưa thực sự là điểm đến thường xuyên của người dân.

Tương tự, Nhà văn hóa tổ dân phố 5, phường Xuân La (quận Tây Hồ) được địa phương vận động từ nguồn xã hội hóa để nâng cấp, sửa chữa khang trang hơn trước; nhưng ngoài tổ chức hội họp, văn hóa văn nghệ, cũng chỉ khai thác thêm việc tổ chức đám cưới cho con, em trong khu dân cư; lĩnh vực thể dục, thể thao chưa khai thác được.

Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Quang Thắng cho biết, khảo sát thực tế cho thấy, công tác quy hoạch nhà văn hóa - khu thể thao chưa được triển khai đồng bộ. Đặc biệt, quận Đống Đa do khó khăn về đất, nên 21 phường chưa có nhà văn hóa, người dân chủ yếu sinh hoạt tại các nhà sinh hoạt cộng đồng ở khu dân cư. Một số quận tuy đã bố trí được đất xây dựng song diện tích chưa bảo đảm, nhiều nhà văn hóa có diện tích khuôn viên nhỏ, không đủ điều kiện tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao lớn của cơ sở.

Sớm có hướng dẫn hoạt động

Theo đại biểu chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Hương, hiện nay mặc dù Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành hướng dẫn về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã, nhà văn hóa - khu thể thao thôn… nhưng thành phố Hà Nội chưa ban hành quy chế hướng dẫn việc tổ chức, hoạt động của các trung tâm, nhà văn hóa ở cơ sở, dẫn đến công tác quản lý, khai thác các thiết chế văn hóa còn gặp nhiều lúng túng.

Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác quản lý, tổ chức hoạt động nhà văn hóa cấp xã, nhà sinh hoạt cộng đồng đều kiêm nhiệm; hầu hết chưa được đào tạo, bồi dưỡng về tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ hoặc quản lý văn hóa. Vì vậy, tổ chức hoạt động nhà văn hóa chủ yếu dựa trên kinh nghiệm; tính linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức và xã hội hóa hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao chưa nhiều...

Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Phạm Xuân Tài cho biết, mặc dù quận đã có cơ chế động viên, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao, nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều nguồn lực. Vì thế, ban chủ nhiệm các nhà văn hóa, câu lạc bộ vẫn hoạt động trên tinh thần tự nguyện.

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Thanh Bình đề nghị, thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao cần tham mưu với UBND thành phố hoàn thiện và bổ sung cơ chế, chính sách cho các thiết chế văn hóa, thông tin, thể thao. Trong đó, ngoài tiếp tục kêu gọi nguồn lực xã hội hóa xây dựng các nhà văn hóa, bổ sung trang thiết bị…, Sở cũng nên đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp; khuyến khích, hỗ trợ việc thiết kế, xây dựng nội dung hoạt động cho các thiết chế văn hóa tại cơ sở.

Đặc biệt, Sở cần xây dựng cơ chế lồng ghép, phối hợp giữa phong trào xây dựng đời sống văn hóa với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thực hiện 2 tiêu chí liên quan đến xây dựng nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn. Có như vậy, các thiết chế văn hóa ở cơ sở mới thực sự phát huy hiệu quả.

Việt Tuấn