Đồ chơi độc hại - cần xử lý nghiêm
Kinh tế - Ngày đăng : 06:29, 11/06/2019
Lực lượng chức năng thu giữ đồ chơi độc hại được vận chuyển về Hà Nội. |
Thời gian qua, các cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều cảnh báo về những loại đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc như hạt nhựa nở, thú nhún, vịt cao su, miếng dán hình,… có chứa chất độc hại, ảnh hưởng nguy hiểm đến sự an toàn của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh vẫn chiều theo ý thích của trẻ nhỏ, mà không quan tâm đến độ an toàn của đồ chơi.
Trao đổi với chị Phan Thu Quỳnh (ngách 298/26 phố Ngọc Lâm, quận Long Biên) đang lựa mua chiếc xe hơi chạy bằng pin với giá khoảng 70.000 đồng, chị ngần ngừ giải thích: "Hứa mua cho con lâu rồi, nhưng nghe các phương tiện truyền thông cảnh báo sợ quá, nên còn chần chừ... Đồ chơi bằng gỗ đắt hơn với giá 200.000-500.000 đồng/món, thu nhập của vợ chồng tôi không đủ để mua...".
Theo bà Lưu Liên Hương - Viện Y học ứng dụng Việt Nam (trực thuộc Tổng hội Y học Việt Nam), nhóm đồ chơi độc hại thường tập trung vào những nhóm như đồ chơi phát sáng, chạy pin, đồ chơi vũ khí, đồ chơi bằng bông, các loại miếng dán… Những đồ chơi này ngoài làm bằng chất liệu tái chế còn trộn thêm hạt nhựa công nghiệp, chất phụ gia, màu công nghiệp, có nhiều chất hóa học, kim loại nặng, rất độc hại. Nếu sử dụng trong thời gian dài, những chất này xâm nhập vào cơ thể bằng cách tiếp xúc qua da, đường miệng, hoặc thông qua đường hô hấp sẽ khiến trẻ dễ mắc các nguy cơ về ngộ độc, rối loạn chức năng hay vô sinh hoặc thậm chí có thể bị ung thư.
Điều đáng nói, những loại đồ chơi này thường rẻ, màu sắc bắt mắt, dễ mua nên càng có nhiều nguy cơ nguy hại... Liên quan đến việc xử lý các trường hợp vi phạm quy định về đồ chơi trẻ em, ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thành phố Hà Nội chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho biết, hằng năm, ngoài các chương trình thanh tra, kiểm tra thường kỳ, Cục Quản lý thị trường còn thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra chuyên đề về tân dược, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em...
Đầu tháng 5 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 17 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội 6, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và Đội Cảnh sát giao thông số 15, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an Hà Nội) đã bắt giữ 5,5 tấn bánh kẹo, đồ chơi các loại do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc, không có tem hợp chuẩn.
Đây chỉ là một trong số 27 vụ vi phạm mà lực lượng quản lý thị trường Hà Nội phát hiện, thu giữ từ đầu năm đến nay, với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và trị giá hàng vi phạm hơn 296 triệu đồng. Mặc dù hằng năm, lực lượng chức năng đã xử lý và tiêu hủy số lượng không nhỏ mặt hàng đồ chơi của các cơ sở kinh doanh vi phạm, nhưng do nhu cầu cao nên nguồn cung trên thị trường vẫn rất lớn. Chưa kể, không ít cửa hàng còn tìm cách trà trộn những món đồ chơi không rõ nguồn gốc bán lẫn cùng những lô hàng đã được dán tem, nhãn hợp chuẩn... Để kiểm định xem mặt hàng đó có bảo đảm chất lượng an toàn hàng hóa mất rất nhiều chi phí, trong khi kinh phí để thực hiện lại rất hạn hẹp.
Để góp phần làm lành mạnh hóa thị trường đồ chơi, bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng chức năng, người tiêu dùng cũng cần thay đổi nhận thức và thói quen tiêu dùng, không vì ham mua đồ chơi rẻ mà làm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Khi mua hàng hóa, cần lưu ý đến nguồn gốc, thành phần của sản phẩm; mua những sản phẩm đã được dán tem, dán nhãn hợp chuẩn; đặc biệt, nên tạo thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng để ràng buộc trách nhiệm với người bán.