Thiết thực, sáng tạo và hiệu quả

Chính trị - Ngày đăng : 06:37, 11/06/2019

(HNM) - 71 năm qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, Thủ đô Hà Nội luôn thực hiện với khí thế sôi nổi. Mỗi giai đoạn thành phố có những phong trào khác nhau, song điểm chung là sự thiết thực, sáng tạo, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Các cá nhân được nhận Bằng khen và Huy hiệu Người tốt - Việc tốt của thành phố Hà Nội tại cuộc giao lưu trực tuyến “Cho đi là còn mãi” tại trụ sở Báo Hànộimới.Ảnh: Viết Thành


Nhiều phong trào ý nghĩa

Ngày 11-6-1948, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, tình hình đất nước ở vào thế "ngàn cân treo sợi tóc", tại xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” nhằm huy động sức người, sức của cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Người khẳng định, thi đua yêu nước phải tiến hành một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực để hoàn thành mục tiêu chung.

Thực hiện lời kêu gọi của Người, Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ đã cùng với cả nước hưởng ứng và khởi xướng nhiều phong trào, mô hình thi đua như: “Hũ gạo cứu đói”, “Tuần lễ vàng”, “Bình dân học vụ”, “Vì miền Nam ruột thịt, mỗi người làm việc bằng hai”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Thanh niên ba sẵn sàng”... Nhờ đó, quân và dân Thủ đô đã đạt nhiều thành tích quan trọng trong kháng chiến và lao động sản xuất. Đặc biệt quan tâm tới Thủ đô, riêng về công tác thi đua, khen thưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều lời chỉ dẫn, động viên phong trào với nhiều hình thức như: Biểu dương trên báo đài, gửi thư khen, tặng quà, tặng lẵng hoa và tặng Huy hiệu của Người.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua", những năm qua, thành phố Hà Nội không ngừng sáng tạo, đổi mới trong triển khai, thực hiện các phong trào thi đua cho phù hợp với từng thời kỳ, từng giai đoạn. Nổi bật là thành phố đã triển khai, thực hiện tốt 2 phong trào: Phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” (từ năm 1992) và phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo” (từ năm 2006).

Đến nay, 100% các đơn vị trên địa bàn thành phố đều triển khai thực hiện phong trào “Người tốt, việc tốt”. Đặc biệt, từ năm 2015, khi UBND thành phố phát động cuộc thi “Phát hiện và viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt”, và được thể chế hóa bằng Quyết định 36/QĐ-UBND ngày 7-12-2015, ban hành Quy chế cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt và viết sách “Những bông hoa đẹp” thì phong trào này càng phát triển mạnh mẽ. Qua đó, toàn thành phố xuất hiện nhiều gương lao động sáng tạo, nhiều mô hình, giải pháp hay trên tất cả các lĩnh vực.

Với phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo”, các cấp, các ngành đều tích cực tham gia, đặc biệt là các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Qua phong trào, công nhân viên chức lao động ở mỗi vị trí công tác đều nỗ lực phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, cải tiến lề lối làm việc, làm lợi hàng tỷ đồng. Đến nay, đã có gần 1 nghìn cá nhân được trao “Bằng công nhận Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”.

Huy động tổng hợp sức mạnh

Việc thành phố Hà Nội tổ chức tốt các phong trào thi đua đã tạo ra động lực to lớn, góp phần vào việc hoàn thành các nhiệm vụ của các ngành, các cấp và của toàn thành phố. Cụ thể, từng địa phương, đơn vị đều phát động các phong trào thi đua thiết thực, sáng tạo gắn với thực tiễn.

Với huyện Thanh Trì, năm 2018 và 2019, phong trào thi đua tiếp tục được cụ thể hóa bằng việc thực hiện đề án "Nâng cao năng lực quản lý và bảo vệ môi trường đến năm 2020". Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai tốt công tác vệ sinh môi trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Đặng Đức Quỳnh cho biết, huyện đã lấy hoạt động này là một trong những tiêu chí để đánh giá, đưa vào bình xét thi đua định kỳ theo tháng, quý, năm. Do đó, 16 xã, thị trấn đã coi đây là trách nhiệm, chủ động phối hợp với đoàn thể và các tầng lớp nhân dân cùng tích cực vệ sinh môi trường, trồng hoa, cây xanh, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp.

Theo Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ thành phố Hà Nội) Nguyễn Công Bằng, một trong những yếu tố giúp cho các phong trào thi đua của thành phố Hà Nội ngày càng hiệu quả và thực chất là do thành phố luôn quan tâm đổi mới công tác thi đua - khen thưởng. Trong đó, việc biểu dương, khen thưởng và tôn vinh gương người tốt, việc tốt được thể hiện ở nhiều hình thức mới, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ để nhân lên những hành động đẹp.

Đánh giá về những thành tựu thành phố đã đạt được, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng khẳng định: “Đó là kết quả của việc xác định đúng đắn mục tiêu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn, từ đó đề ra nội dung, biện pháp tổ chức các phong trào thi đua phù hợp, bảo đảm huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khích lệ được tinh thần tự giác tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân”.

Năm nay, thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện chủ đề “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” với nhiều nội dung cụ thể được triển khai. Do đó, các cấp, các ngành cần quan tâm phát động và triển khai phong trào thi đua theo chuyên đề, theo đợt. Trong đó, cần lấy kết quả việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ là một trong các tiêu chí để đánh giá kết quả phong trào thi đua.

Với truyền thống của mình, cán bộ và nhân dân Hà Nội luôn có quyết tâm cao thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, góp sức xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, xứng đáng với lời dạy và niềm mong mỏi của Bác Hồ kính yêu.

Phong Thu