Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt: Cần sự hợp tác của nhiều bên

Tài chính - Ngày đăng : 07:39, 12/06/2019

(HNM) - Thanh toán điện tử, hướng tới xã hội không dùng tiền mặt sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đem lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp...

Người dân tìm hiểu ứng dụng thanh toán trên điện thoại di động.


Ngày 11-6, tại thành phố Hồ Chí Minh diễn ra hội thảo "Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam" do Báo Tuổi trẻ phối hợp Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đại diện lãnh đạo một số ngân hàng, doanh nghiệp tham dự.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định: Thanh toán không dùng tiền mặt tạo sự tiện lợi, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp; tạo sự minh bạch trong hoạt động doanh nghiệp, cơ quan công quyền, góp phần phòng, chống tham nhũng và nạn rửa tiền. Không dùng tiền mặt còn giúp tiết kiệm, giảm chi phí in tiền, tiết kiệm được thời gian, nhân sự.

Trên thực tế, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã được áp dụng nhiều trong cuộc sống như: Thu thuế điện tử, nộp viện phí, học phí, tiền điện, các tiền cước dịch vụ… Tuy nhiên, việc thanh toán không dùng tiền mặt ở các kênh tiêu dùng, sàn thương mại điện tử, bán lẻ, dịch vụ khác vẫn ở mức hạn chế.

Ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam bày tỏ: “Thanh toán không dùng tiền mặt vẫn ở mức khiếm tốn tại sàn thương mại điện tử Shopee. Mỗi ngày, chúng tôi chỉ có vài chục nghìn đơn hàng thanh toán không dùng tiền mặt”. Còn tại các hệ thống bán lẻ, siêu thị, việc thanh toán không dùng tiền mặt dù được triển khai đã lâu, nhưng người tiêu dùng chưa biết nhiều.

Tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan sớm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ chủ trương triển khai chính phủ điện tử, cung ứng dịch vụ công cấp độ 3, 4. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020 và Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công.

Để có được sự đồng bộ trong hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt thì các bộ, ngành, đơn vị cung ứng dịch vụ cũng phải xây dựng hệ thống công nghệ thông tin cho phép quản lý theo hướng tập trung và tích hợp với hạ tầng thanh toán của ngành Ngân hàng.

Ngoài ra, nước ta cần sớm phổ cập việc thanh toán không dùng tiền mặt ở cả vùng sâu, vùng xa. Theo thống kê, hiện nay nước ta có 30 triệu người có tài khoản ngân hàng, có trên 40 triệu người sử dụng điện thoại di động. Nếu chúng ta sớm triển khai thanh toán Mobile Money sẽ giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa sớm tiếp cận với tiện ích hiện đại.

Ông Nguyễn Đức Trung - Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: “Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan để đề xuất Chính phủ chính sách thí điểm Mobile Money. Trước mắt, các nhà mạng di động lớn sẽ thực hiện việc này”.

Tuy người dân còn nhiều lo lắng về tính an toàn của việc thanh toán không dùng tiền mặt nhưng với sự đầu tư của các công ty công nghệ trong việc bắt tay với ngân hàng như việc xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, mã hóa thông tin đã được triển khai..., việc thanh toán qua điện tử, internet, điện thoại di động trở nên đa dạng, an toàn và mang lại nhiều tiện lợi hơn.

Bài, ảnh: Tuệ Diễm