Nhiệm vụ trước mắt, mục tiêu lâu dài
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:23, 13/06/2019
Kể từ khi phát hiện ổ bệnh đầu tiên tại tỉnh Hưng Yên và Thái Bình (tháng 2-2019), đến nay bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa được khống chế hiệu quả, cả nước có 55 tỉnh, thành phố đã xuất hiện bệnh dịch. Là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm đứng trong tốp dẫn đầu cả nước, số lượng lợn bị tiêu hủy do mắc bệnh dịch cũng chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt"... nên Hà Nội cũng đang phải đối mặt với việc thiếu nguồn cung thịt lợn. Vì thế, bên cạnh công tác chống dịch, tìm giải pháp để bù đắp nguồn thiếu hụt từ thịt lợn là yêu cầu cho cả trước mắt và lâu dài.
Việc quan trọng, cấp bách số 1 hiện nay vẫn là bảo vệ đàn lợn khỏe mạnh hiện tại có đủ sức đề kháng với vi rút bệnh Dịch tả lợn châu Phi, bởi đây là những “hạt nhân” quan trọng để giữ đàn, tạo nguồn con giống cung cấp cho người chăn nuôi.
Cùng với đó, người chăn nuôi tiếp tục phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp để phòng, chống bệnh. Những trang trại, hộ gia đình nếu đủ điều kiện tái đàn phải cân nhắc thận trọng về thời điểm, số lượng cần nuôi và tuân thủ nghiêm túc khuyến nghị của cơ quan chức năng.
Nhằm bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong thời gian từ nay đến cuối năm, giải pháp trữ đông thịt lợn đã được nhắc đến rất nhiều. Tuy nhiên, với cơ sở hạ tầng kho lạnh còn thiếu, nguồn lực của doanh nghiệp còn hạn chế nên việc cần làm ngay lúc này là các bộ, ngành sớm nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đó có thể là hỗ trợ về chi phí khi thu mua lợn chưa bị bệnh, được hưởng lãi suất vay vốn ưu đãi hay miễn, giảm phí kiểm dịch giết mổ lợn cấp đông... Những việc này nếu được khẩn trương thực hiện sẽ góp phần giữ ổn định cho thị trường thực phẩm; giảm thiệt hại cho đàn lợn còn khỏe mạnh hiện nay.
Bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã gây ra những thiệt hại vô cùng lớn cho ngành chăn nuôi. Song, ở một khía cạnh khác, đây cũng chính là cơ hội để nhìn lại cơ cấu của ngành này, bởi qua “tâm bão”, sự mất cân đối đã bộc lộ rõ. Về lâu dài, việc cơ cấu lại ngành chăn nuôi cần được đẩy mạnh hơn nữa, theo hướng phát triển đàn bò, dê, cừu, thủy sản... để làm phong phú hơn, tạo an toàn hơn nguồn cung cấp thực phẩm.
Đi liền với đó, biện pháp chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học phải được áp dụng triệt để và ứng dụng trên diện rộng. Thực hiện được biện pháp này, chúng ta sẽ đi đến được nhiều đích khi vừa hạn chế được sự ảnh hưởng của nhiều loại bệnh, dịch trên lợn (bệnh Dịch tả lợn châu Phi, bệnh tai xanh...), vừa bảo đảm được nguồn thịt sạch, an toàn và tạo nguồn thực phẩm phong phú...
Cùng với cả nước, các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền và cả người dân Thủ đô đang “chung lưng đấu cật” nhằm hạn chế thấp nhất sự lây lan của bệnh dịch. Bên cạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi có nhận thức rõ để bảo vệ đàn lợn hiện có, hoạt động tái đàn cũng được ngành chăn nuôi Hà Nội chú trọng, nhất là tới yếu tố an toàn bệnh dịch.
Ngoài việc khuyến cáo về thời gian, số lượng lợn tái đàn, Hà Nội còn kiên quyết xử phạt những hộ tái đàn mà không thông báo với chính quyền sở tại hay tái đàn khi chưa được phép của cơ quan chức năng... Điều quan trọng hơn là thời gian qua, Hà Nội đã tính đến và đi trước trong thực hiện cơ cấu lại ngành chăn nuôi, đẩy mạnh phát triển đàn vật nuôi từ gia súc ăn cỏ, gia cầm, thủy sản... để đa dạng các loại thực phẩm.
Chủ động tìm nguồn cung thực phẩm thay thế thịt lợn vừa là yêu cầu trước mắt, vừa là giải pháp lâu dài để hướng đến một nền chăn nuôi phát triển đa dạng và bền vững.