Tôn trọng sáng tạo, tôn trọng chính mình

Góc nhìn - Ngày đăng : 11:27, 13/06/2019

(HNMCT) - Với 5 chữ nhận định của ban tổ chức “sao chép khá rõ rệt” cùng với sự thừa nhận của chính tác giả, vụ việc liên quan đến tác giả Kai Hoàng “đạo” truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư gửi dự thi xem như đã khép lại.


Có thể mức độ ồn ào của vụ việc sẽ chỉ dừng ở đó hoặc cũng có thể hơn, thế nhưng câu chuyện đằng sau nó, đó là vi phạm bản quyền trong văn học nghệ thuật, thì đã, đang và sẽ còn làm tổn thương những người hoạt động văn học nghệ thuật chân chính và gây nhức nhối cho dư luận, công chúng.

Sáng tạo là hoạt động đặc thù, mang dấu ấn cá nhân - yếu tố không chỉ thể hiện rõ căn tính nghệ sĩ, mà quan trọng hơn, nó chính là nguồn cảm hứng, thứ định vị phong cách, chất lượng sáng tạo của người hoạt động văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, không ít người lại xem “dấu ấn cá nhân trong sáng tạo” là thứ có thể có được bằng cách “lấy của người khác làm của mình” và thay đổi quyền sở hữu bằng động tác cơ học: Sao chép. Thực vậy, những “lấp lánh của trải nghiệm, chắt lọc và tái hiện từ đời sống” mà các tác giả khổ công có được lại bị “đánh cắp” một cách khá phổ biến, lộ liễu.

Không chỉ trong văn học, và cũng không phải chuyện mới, mà từ nhiều năm nay, trong các lĩnh vực khác như điện ảnh, âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh, sân khấu…, cũng đều “ghi danh” những tác giả trở thành “nạn nhân” của tình trạng xâm phạm bản quyền, vi phạm công ước Berne mà Việt Nam tham gia ký kết từ năm 2004. Đáng nói, tình trạng “sao chép”, “xài chùa” dường như đã trở thành trào lưu, không chỉ dừng lại giữa các cá nhân tác giả với nhau mà còn lan sang các hoạt động liên quan như xuất bản, biểu diễn, không chỉ ở trong nước mà còn chạm tới tác phẩm nước ngoài, không chỉ giữa cá nhân với cá nhân mà còn giữa đơn vị, nhà tổ chức với các cá nhân…

Vì sao vi phạm vẫn diễn ra, nhất là lại diễn ra theo cách bất ngờ, đáng tiếc nhất? Nhiều gương mặt nổi tiếng, có dấu ấn, có thành tựu đã phải đối diện với dông bão dư luận về chuyện “đạo văn”; sự nghiệp, tài năng đứng trước những chênh vênh lòng tin của công chúng… Hậu quả lâu dài là sự bức xúc, thất vọng, nguội lạnh động lực sáng tạo của những văn nghệ sĩ tử tế; uy tín hoạt động văn học nghệ thuật của nước ta trước cộng đồng quốc tế bị ảnh hưởng…

Thực tế cũng đã có nhiều quan điểm lý giải tình trạng vi phạm bản quyền nghiêm trọng diễn ra nhiều năm qua ở nước ta. Chưa bàn đến những tranh cãi sâu về vấn đề tác phẩm gốc, tác phẩm phái sinh, những ranh giới mỏng manh từ sự “ảnh hưởng”, “chịu ảnh hưởng” đến “học tập” và sao chép sống sượng…, điều ta muốn nói đến là một thái độ rõ ràng về việc không thể “biến cái của người khác thành của mình” như một thói quen lười biếng.

Nói như nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: “Bạn trộm một con mèo về nuôi, dần dần con mèo là của bạn, nhưng chữ thì không. Kể cả không ai phát hiện ra hoặc phát hiện mà người ta chẳng hô hoán lên thì chữ mãi mãi vẫn không phải của bạn”. Thật vậy, câu chữ - hay nói cách khác là sản phẩm sáng tạo ấy chỉ có thể là của bạn thực sự khi nó khởi phát từ chiều sâu trăn trở trải nghiệm, lao động, tài năng của chính bản thân bạn. Vì thế, “không lấy của người khác làm của mình” phải là một phẩm chất cốt lõi của nhân cách, đó là yêu cầu bắt buộc chứ không chỉ là một cảnh báo nói riêng trong hoạt động sáng tạo.

Và trong bối cảnh vi phạm bản quyền văn học nghệ thuật phổ biến, “khó chữa” như hiện nay, khi những yếu tố pháp luật còn chưa theo kịp những ngóc ngách nảy sinh từ cuộc sống, thì bản thân người hoạt động trong lĩnh vực này càng phải đặt ý thức đó lên hàng đầu với tinh thần tôn trọng bản quyền, tôn trọng sáng tạo của người khác đồng nghĩa với tôn trọng và bảo vệ hoạt động sáng tạo của chính mình.

Chỉ khi có được nhận thức sâu sắc về điều này, mỗi người mới có được phản xạ tự hỏi và tự trả lời trong những tình huống có sự giao thoa, có sự ảnh hưởng…, để phân biệt đâu là học hỏi và đâu là sao chép sống sượng.

Hà Chi