Hà Nội thực hiện tốt phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"
Văn hóa - Ngày đăng : 12:02, 13/06/2019
Buổi làm việc của Đoàn kiểm tra. |
Báo cáo đoàn kiểm tra, bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho biết, năm 2019 là năm đầu tiên thực hiện việc đăng ký, bình xét các danh hiệu văn hóa theo Nghị định 122/2018/NĐ-CP. Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) thành phố đã hướng dẫn các địa phương từ khâu đăng ký danh hiệu đến việc thống nhất cách thức triển khai thực hiện.
Trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn thành phố đạt được một số kết quả. Cơ quan thường trực BCĐ thành phố đã hướng dẫn các địa phương triển khai xây dựng các quy ước, hương ước làng, tổ dân phố trên địa bàn toàn thành phố, yêu cầu bổ sung các nội dung của Quy tắc ứng xử nơi công cộng; lồng ghép nội dung tuyên truyền phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với việc thực hiện Chương trình 04/CTr-TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh”…
Về việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, toàn thành phố có 29/30 quận, huyện, thị xã có các thiết chế văn hóa, thể thao (quận Nam Từ Liêm chưa có do mới tách); 143/584 nhà văn hóa cấp xã, phường, thị trấn; 100% xã đã hoàn thiện quy hoạch xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao xã...
Việc xây dựng danh hiệu “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”; “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”, “Xã đạt chuẩn nông thôn mới”, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội... đã góp phần xây dựng hình ảnh, con người Thủ đô thanh lịch, văn minh, hiện đại. Năm 2018, thành phố có 1.524/2.538 làng là “Làng văn hóa", đạt 60%; 3.580/5.422 tổ dân phố là “Tổ dân phố văn hóa”, đạt 71%…
Việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của thành phố Hà Nội đạt hiệu quả cao so với mặt bằng chung toàn quốc. (ảnh minh họa). |
Bên cạnh đó, cơ quan thường trực BCĐ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cũng chỉ ra một số hạn chế trong quá trình thực hiện như: Công tác thanh tra, kiểm tra còn chưa quyết liệt, kịp thời; công tác tuyên truyền, vận động vẫn còn tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”; chất lượng các mô hình văn hóa ở một số địa phương, đơn vị chưa đảm bảo; việc bình xét, công nhận “Gia đình văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, “Đơn vị văn hóa” ở một số địa phương, đơn vị còn làm qua loa, hình thức…
Tại buổi kiểm tra, cơ quan thường trực BCĐ thành phố kiến nghị các cơ quan trung ương và Bộ VH,TT&DL có hướng dẫn cụ thể về kinh phí khen thưởng danh hiệu “Gia đình văn hóa”; đề nghị xem xét lại việc công nhận danh hiệu “Cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa” đối với các đơn vị đạt danh hiệu 5 năm, vì danh hiệu này chưa được quy định tại Luật Thi đua khen thưởng nên khó khăn cho việc khen thưởng khi công nhận danh hiệu.
Kết luận tại buổi kiểm tra, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH,TT&DL) Ninh Thị Thu Hương nhận định, việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của thành phố Hà Nội đạt hiệu quả cao so với mặt bằng chung toàn quốc. Điều này thể hiện ở việc Hà Nội đã thực hiện tốt 5 tiêu chí của phong trào, đặc biệt là tiêu chí thực hiện nếp sống văn minh, bình chọn danh hiệu văn hóa.
Theo bà Ninh Thị Thu Hương, việc bình chọn “Gia đình văn hóa tiêu biểu” là rất cần thiết vì đó là cơ sở để nhân rộng những mô hình hay. Tuy nhiên, hiện nay, danh hiệu này chưa có trong luật, các địa phương cần có hình thức bình xét khác để động viên, nhân rộng những mô hình tiêu biểu.
Bộ VH,TT&DL đề nghị Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo, thực hiện xây dựng môi trường đô thị văn minh, tăng cường tuyên truyền tới từng người dân, từng gia đình để phong trào đạt hiệu quả tốt.