Quốc hội “chốt” mỗi môn học có nhiều bộ sách giáo khoa
Giáo dục - Ngày đăng : 10:04, 14/06/2019
Vào ngày làm việc cuối cùng tại kỳ họp thứ bảy, các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua hàng loạt dự án luật quan trọng. |
Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; cơ sở giáo dục, nhà giáo, người học; quản lý nhà nước về giáo dục; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động giáo dục.
Trước khi bấm nút thông qua toàn bộ dự án luật, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Điều 2 về mục tiêu giáo dục tại trang 1 dự án luật và đã được đa số đại biểu tán thành.
Theo đó, mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định tính chất, nguyên lý giáo dục gồm: Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng.
Hoạt động giáo dục được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.
Về phát triển giáo dục, luật quy định, phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ khoa học, công nghệ, củng cố quốc phòng - an ninh; thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa; bảo đảm cân đối cơ cấu ngành nghề, trình độ, nguồn nhân lực và phù hợp vùng miền; mở rộng quy mô trên cơ sở bảo đảm chất lượng và hiệu quả; kết hợp giữa đào tạo và sử dụng.
Phát triển hệ thống giáo dục mở, xây dựng xã hội học tập nhằm tạo cơ hội để mọi người được tiếp cận giáo dục, được học tập ở mọi trình độ, mọi hình thức, học tập suốt đời.
Điều 31 của luật quy định, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) được thống nhất trong cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục; được lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân và được thực nghiệm trước khi ban hành; được công bố công khai sau khi ban hành.
Về sách giáo khoa (SGK) GDPT, Điều 32 quy định mỗi môn học có một hoặc một số SGK; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK; việc xuất bản SGK thực hiện theo quy định của pháp luật; UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong các cơ sở GDPT trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về SGK GDPT; phê duyệt SGK để sử dụng trong cơ sở GDPT sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định SGK thẩm định; quy định cụ thể tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK GDPT; quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở GDPT; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK và Hội đồng thẩm định cấp tỉnh.
Về phương pháp giảng dạy, các Điều 7, 24, 30, 43 của luật quy định theo hướng lấy người học là trung tâm. Phương pháp này sẽ được triển khai cụ thể trong quá trình dạy học, sẽ chuyển từ giáo dục thiên về truyền thụ kiến thức sang giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh, giúp giáo viên và học sinh chủ động, sáng tạo trong dạy và học.
Ngoài ra, luật cũng quy định về yêu cầu phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học đối với các cấp học của GDPT. Điều này bao gồm tôn trọng sự khác biệt, phát triển của mỗi người học.
Luật Giáo dục (Sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-7-2020.