Thủ tướng Nhật Bản thăm Iran: Thực hiện sứ mệnh hòa giải

Thế giới - Ngày đăng : 06:32, 14/06/2019

(HNM) - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang thực hiện chuyến thăm lịch sử đến Iran từ ngày 12 đến 14-6. Đây là chuyến công du Iran đầu tiên của một thủ tướng Nhật Bản đương nhiệm trong hơn 4 thập niên qua.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang leo thang, chuyến thăm được kỳ vọng sẽ góp phần hòa giải và thúc đẩy đối thoại giữa hai nước, đồng thời nâng cao vị thế của nhà lãnh đạo Nhật Bản trước thềm tổng tuyển cử ở nước này vào tháng 7 tới.

Tổng thống Iran H.Rouhani và Thủ tướng Nhật Bản S.Abe trong lễ đón chính thức tại thủ đô Tehran.


Kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Đức) hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), nguy cơ đối đầu về quân sự giữa Mỹ và Iran ngày một gia tăng. Mỹ đã điều động tàu sân bay Abraham Lincoln, máy bay ném bom cùng khoảng 1.500 quân đến Vịnh Persian nhằm đối phó với cái gọi là "các mối đe dọa từ Iran".

Nhiều nhà phân tích cho rằng, những gì diễn ra với Iran hiện nay có nhiều nét tương đồng với “kịch bản” dẫn tới chiến tranh vùng Vịnh lần thứ hai mà Mỹ phát động nhằm vào Iraq năm 2003 với cáo buộc về vũ khí giết người hàng loạt và yêu cầu thanh sát toàn diện. Tuy vậy, nếu chiến tranh nổ ra, Mỹ không dễ giành thắng lợi nhanh chóng như đã làm với Iraq. Với tiềm lực quân sự đáng gờm, Iran có khả năng khiến bất kỳ cuộc tấn công nào của Mỹ trở nên kéo dài và tốn kém.

Trước mắt, Tehran có thể đóng cửa eo biển Hormuz nhằm cản trở sự lưu thông của khoảng 30% lượng dầu thế giới. Điều này sẽ là đòn đánh mạnh vào nền kinh tế dựa vào dầu mỏ của các nước thân cận với Mỹ ở Trung Đông. Quan trọng hơn, Iran đã xây dựng và chuẩn bị kỹ lưỡng chiến lược chiến tranh bất đối xứng. Mặc dù thiếu lực lượng không quân tiền tuyến hiện đại, nhưng nước này đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc phát triển và sản xuất các tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tầm xa, có khả năng tấn công những mục tiêu ở các nước đồng minh của Mỹ như Israel hoặc Saudi Arabia để gây ra sự hỗn loạn về tâm lý trên toàn khu vực.

Trong khi đó, Nhật Bản được đánh giá là có mối quan hệ tốt đẹp với Iran. Năm 2019 là năm hai nước kỷ niệm 90 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, căng thẳng gần đây giữa Mỹ và Iran đã đẩy Tokyo vào thế khó khi Washington là một đồng minh an ninh, còn Tehran là nguồn cung cấp dầu mỏ cho Nhật Bản. Điều này lý giải nguyên nhân Thủ tướng Nhật Bản S.Abe hăng hái trong vai trò thuyết khách mặc dù không phải là một bên tham gia JCPOA. Trên thực tế, những nỗ lực của người đứng đầu xứ sở Hoa anh đào cũng đã nhận được những tín hiệu khả quan.

Ngày 13-6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Morgan Ortagus tuyên bố, Mỹ ủng hộ những nỗ lực của Thủ tướng Nhật Bản S.Abe nhằm giúp giảm căng thẳng giữa Washington và Tehran. Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định, nước này sẽ mở con đường đàm phán với Mỹ nếu Washington dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ nhằm vào Tehran, đồng thời thông qua Thủ tướng S.Abe muốn gửi tới Tổng thống Mỹ D.Trump yêu cầu này.

Tuy nhiên, việc “hạ nhiệt” căng thẳng Mỹ - Iran cần rất nhiều nỗ lực. Hiện tại, bế tắc đang nằm ở 12 yêu cầu của Mỹ buộc Iran phải thực hiện để có thể đối thoại, trong đó có việc giảm sản xuất tên lửa đạn đạo, rút quân khỏi Syria, giải giáp lực lượng bán quân sự ở Iraq, chấm dứt ủng hộ nhóm du kích Houthi ở Yemen. Đặc biệt, Tehran phải ngừng tiếp sức cho nhóm chính trị - vũ trang Hezbollah ở Lebanon, không được sở hữu bom hạt nhân, chấm dứt các hình thức làm giàu uranium, cho phép Liên hợp quốc thanh sát mọi cơ sở nguyên tử...

Trong bối cảnh này, sứ mệnh hòa giải của Thủ tướng S.Abe trong chuyến công du này là cần thiết để giúp ngăn ngừa nguy cơ xung đột vũ trang. Thế nhưng, việc Mỹ và Iran có thể tiến đến bàn đàm phán hay không vẫn là một quãng đường dài.

Quỳnh Dương