Tăng thẩm quyền cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cần thiết
Kinh tế - Ngày đăng : 06:21, 14/06/2019
Đại biểu Quốc hội đề xuất đa dạng hàng hóa trên thị trường chứng khoán - Ảnh: Quochoi.vn |
Nên giữ mô hình tổ chức hiện tại
Tờ trình về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) nêu rõ những kết quả đạt được sau 10 năm thi hành, đồng thời chỉ ra những hạn chế, bất cập cần sửa đổi. Báo cáo thẩm tra dự án luật của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho thấy, bố cục của dự thảo luật gồm 10 chương, 136 điều (sửa đổi 97 điều, bổ sung 31 điều, bãi bỏ 31 điều và giữ nguyên 8 điều so với Luật Chứng khoán hiện hành) là hợp lý. Trong đó, đã tập trung giải quyết những vấn đề vướng mắc hiện nay như chất lượng hàng hóa “đầu vào” của thị trường, hành vi thao túng giá, chống giao dịch nội gián, cải cách hành chính nâng cao hiệu quả công tác tổ chức vận hành, quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm...
Một trong những nội dung được đa số đại biểu quan tâm, thảo luận là mô hình tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Về vấn đề này, hiện có 2 luồng ý kiến. Một là, giữ nguyên quy định như hiện hành, tức là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn trực thuộc Bộ Tài chính. Hai là, tách Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thành một cơ quan độc lập trực thuộc Chính phủ.
Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cho biết: “Trong bối cảnh hiện nay thì nên giữ nguyên như quy định hiện hành là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính”. Việc giữ như quy định hiện hành nhằm bảo đảm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TƯ, Nghị quyết số 18-NQ/TƯ, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương... với tư tưởng xuyên suốt là không tăng thêm biên chế khi sắp xếp bộ máy.
“Nâng cao hoạt động của một bộ máy thì điều quan trọng không phải là cơ quan đó nằm ở đâu mà vấn đề là trao cho nó những quyền năng gì. Nếu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tách khỏi Bộ Tài chính, chuyển sang đầu mối của Chính phủ mà không trao cho quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì không đem lại hiệu quả thiết thực. Để nâng cao hiệu quả quản lý thì vấn đề quan trọng vẫn là yếu tố con người, chất lượng bộ máy, tính chuyên nghiệp và khả năng thực hiện nhiệm vụ”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh.
Chung quan điểm, đại biểu Trần Quang Chiểu (Đoàn Nam Định) cho rằng, mô hình như hiện nay là phù hợp với tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TƯ của Đảng về bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, không thêm bộ máy mới, tổ chức mới.
Phân tích sâu hơn, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ) nêu rõ, trước đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan thuộc Chính phủ, đến năm 2004 chuyển về trực thuộc Bộ Tài chính. Thời gian qua, mức độ tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán tăng từ 10% đến 11% lên khoảng 15%. Từ thực tế này, đại biểu cho rằng, việc đưa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thành cơ quan thuộc Chính phủ cần hết sức cân nhắc vì sẽ gây xáo trộn, mất thời gian sắp xếp lại tổ chức nhân sự, có thể gây tác động đến thị trường chứng khoán trong khi đang phát triển bình thường và đạt kết quả tích cực. Theo đại biểu, nên giữ nguyên mô hình như hiện hành và nghiên cứu bổ sung thêm các quy định để bảo đảm tính độc lập, trao đủ thẩm quyền để tổ chức này quản lý, giám sát được lĩnh vực, bảo đảm sự phát triển ổn định của thị trường chứng khoán.
Nâng vốn điều lệ công ty đại chúng lên 30 tỷ đồng
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu quan tâm nội dung chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (Khoản 1, Điều 14). Theo tờ trình, nội dung này sửa đổi, nâng điều kiện về vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng, phù hợp với sự phát triển của quy mô doanh nghiệp hiện nay, tương thích với điều kiện niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội để gắn chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng với niêm yết chứng khoán...
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội), nâng vốn điều lệ tối thiểu của các công ty đại chúng lên 30 tỷ đồng là nhằm giúp sản phẩm hàng hóa trên thị trường có chất lượng tốt hơn. Bởi, các công ty lớn mạnh, duy trì hoạt động ổn định hơn, đưa thị trường chứng khoán ngày càng chuyên nghiệp. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, trong báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ cần rõ hơn tại sao lại quy định là 30 tỷ đồng, lộ trình tăng ra sao để tránh ảnh hưởng đến các công ty nằm trong ranh giới đó.
Đồng tình việc nâng mức vốn điều lệ tối thiểu từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng của công ty đại chúng, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, quy định như vậy là cần thiết. “Quy định này ban đầu có thể hạn chế doanh nghiệp nhỏ tham gia, nhưng là “bộ lọc” để doanh nghiệp mới tham gia có chất lượng cao hơn, nâng hệ số an toàn cho nhà đầu tư, xét về lâu dài gia tăng sức cạnh tranh, tăng sức mạnh của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán”, đại biểu khẳng định.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, mô hình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính là kế thừa những kết quả của Luật Chứng khoán năm 2006, Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung năm 2010, đồng thời, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và các nghị quyết của Đảng, Quốc hội về cải cách bộ máy hành chính nhà nước. Tại dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) tiếp tục tăng cường vai trò của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để bảo đảm tính độc lập trong quản lý giám sát và thông lệ quốc tế.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp với đơn vị hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu để bổ sung, hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ tám tổ chức vào cuối năm 2019.