Trái phiếu doanh nghiệp: Xu hướng "hút" vốn mới

Tài chính - Ngày đăng : 08:09, 15/06/2019

(HNM) - Với lãi suất cao hơn so với lãi suất tiết kiệm thông thường tại các ngân hàng, tính thanh khoản cao, trái phiếu đang là xu thế đầu tư của thị trường.

Kênh đầu tư hấp dẫn

Hơn hẳn kênh gửi tiết kiệm về cơ hội sinh lời, lại không nhiều rủi ro như đầu tư cổ phiếu, thị trường trái phiếu bắt đầu “nổi” trong thời gian gần đây. Thay vì tăng vốn bằng việc phát hành cổ phiếu, các doanh nghiệp đã chọn cách phát hành trái phiếu với lãi suất khá tốt. Nhờ đó, sức cầu của nhà đầu tư đối với trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh, vì sản phẩm trái phiếu được thiết kế đa dạng, phù hợp với nhu cầu của giới đầu tư.

Trái phiếu doanh nghiệp đang là một kênh đầu tư hấp dẫn.


Chị Nguyễn Minh Hạnh (sống tại chung cư Season Avenue Mỗ Lao, Hà Đông) cho biết: "Trước đây tôi là nhà đầu tư thường xuyên của thị trường cổ phiếu, nhưng từ đầu năm 2019 đến nay, tôi lại chọn mua trái phiếu doanh nghiệp, vì tính rủi ro của loại hình đầu tư này ít hơn, mà tính thanh khoản vẫn cao. Tôi nghĩ, đây là kênh đầu tư phù hợp cho những người không muốn mạo hiểm với dòng tiền của mình, mà vẫn có cơ hội kiếm tiền nhiều hơn gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, trước khi lựa chọn trái phiếu, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp phát hành, bởi doanh nghiệp có “sức khỏe” càng tốt, cơ hội sinh lời, cũng như tính thanh khoản càng cao".

Hiện nay, mức lãi suất của ngân hàng đang ở mức 4-8%/năm tùy vào kỳ hạn gửi, thì lãi suất đối với trái phiếu thường xuyên ở mức 8-10%/năm, thậm chí cao hơn nếu trái phiếu có kỳ hạn dài, lên tới 14-15%/năm. Loại hình trái phiếu cũng đa dạng, từ trái phiếu kỳ hạn ngắn đến những trái phiếu có kỳ hạn dài hơn, khoảng 5-10 năm.

Sức hút của trái phiếu khiến không ít doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, hay thậm chí cả ngân hàng cũng phát hành trái phiếu để thu hút vốn đầu tư. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) phát hành 4 đợt trái phiếu với lãi suất cao nhất là 14,45%/năm. Trái phiếu PDR không chuyển đổi, có tài sản bảo đảm và không kèm chứng quyền.

Hay như Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh nhà Khang Điền (KDH) phát hành 450 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm, lãi suất 12%/năm, trả lãi 6 tháng/lần. Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú (VPI) phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn từ ngày 9-5-2019 đến 9-12-2021 với lãi suất áp dụng cho kỳ tính lãi đầu tiên là 12%/năm, những lần sau là lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của VPBank cộng biên độ 4,3%/năm, trả lãi 6 tháng/lần....

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán MBS, từ đầu năm đến nay, có hơn 60.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành, trong đó nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản chiếm đến 82%.

Ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) khẳng định, trái phiếu doanh nghiệp "hút" nhà đầu tư nhờ việc không bị ảnh hưởng bởi biến động thị trường giống như cổ phiếu, nên tính bảo toàn vốn cao hơn. Lãi suất trái phiếu cao hơn lãi suất tiền gửi kỳ hạn, được trả định kỳ 6 tháng, hoặc 1 năm/lần tùy loại trái phiếu, giúp nhà đầu tư có dòng tiền đều đặn. Đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư đạt mức lợi nhuận cao hơn so với gửi tiết kiệm và ít phải đối mặt với rủi ro hơn so với đầu tư cổ phiếu.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Bùi Quang Tín (Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, đối với người có nguồn tiền nhàn rỗi, lãi suất là ưu tiên hàng đầu. Do đó, trái phiếu doanh nghiệp đang là kênh đầu tư hấp dẫn vì lãi suất cao hơn hẳn lãi suất gửi tiết kiệm.

Nguồn huy động vốn hiệu quả

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, để thay thế nguồn vốn ngân hàng, các doanh nghiệp có thể thực hiện phát hành cổ phiếu, trái phiếu, huy động vốn từ bên ngoài. HoREA khuyến nghị các doanh nghiệp bất động sản quan tâm phương thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, để phát hành trái phiếu thành công, doanh nghiệp bất động sản phải bảo đảm sử dụng đúng mục đích nguồn vốn huy động từ trái phiếu, thực hiện hiệu quả phương án sản xuất, kinh doanh và dự án đầu tư để bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp và nhà đầu tư trái phiếu.

Đánh giá trái phiếu doanh nghiệp ở góc độ khác, Tiến sĩ Bùi Quang Tín nhận định, hiện quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhỏ, nên một vài đợt phát hành trái phiếu với lãi suất 12-14,5%/năm vẫn chưa ảnh hưởng đến nguồn vốn huy động của các ngân hàng...

Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỷ lệ cho vay của các ngân hàng với bất động sản đang hạn chế, trong khi doanh nghiệp muốn thúc đẩy nhanh các dự án nên buộc phải phát hành trái phiếu huy động vốn. Muốn thành công, lãi suất phải hấp dẫn là điều tất yếu. Thực tế, các doanh nghiệp cũng đang phải vay với mức lãi suất trung, dài hạn của các ngân hàng là 12-12,5%/năm. Hơn nữa, doanh nghiệp phát hành trái phiếu không bị giám sát về giải ngân, sử dụng vốn...

Nhằm hoàn thiện, phát triển thị trường trái phiếu, trong đó có thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn cho biết, năm 2019, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục triển khai các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu theo lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam. Bên cạnh đó, sẽ đơn giản hóa điều kiện, hồ sơ, thủ tục phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Hà Linh