Bài cuối: Quản lý từ… gốc
Sức khỏe - Ngày đăng : 06:47, 17/06/2019
Quản lý “đường đi” của thuốc
Theo Bộ Y tế, cả nước hiện có 219 nhà máy sản xuất thuốc, 137 công ty xuất, nhập khẩu thuốc và hơn 61.000 cơ sở bán lẻ thuốc. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, hoạt động cung ứng thuốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, hệ thống phân phối thuốc còn qua nhiều khâu trung gian, gây khó khăn khi truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng thuốc và thu hồi.
Hơn nữa, tình trạng người dân có thể mua thuốc dễ như mua rau, không cần đơn của bác sĩ cũng tạo điều kiện cho thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng len lỏi vào thị trường. Vì vậy, việc xây dựng hệ thống quản lý chuỗi cung ứng thuốc quốc gia, sẽ đáp ứng yêu cầu bảo đảm quyền lợi cho người bệnh được sử dụng thuốc hợp lý - an toàn - hiệu quả.
Việc xây dựng hệ thống quản lý chuỗi cung ứng thuốc quốc gia nhằm bảo đảm quyền lợi cho người bệnh trong sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả.Ảnh: Thế Hùng |
Đến nay đã có hơn 30 tỉnh, thành phố tham gia xây dựng hệ thống liên thông kết nối các cơ sở cung ứng thuốc. Khi 100% đơn vị ứng dụng internet kết nối liên thông, Sở Y tế các địa phương sẽ nắm được hoạt động của từng cơ sở, có thể quản lý được “đường đi” của thuốc cũng như truy xuất đầy đủ thông tin về thuốc như: Số đăng ký, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, cơ sở cung cấp thuốc, giá bán lẻ, số lô, hạn dùng, số lượng nhập, số lượng bán, số lượng tồn, số lượng thu hồi…
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, việc nối mạng hệ thống các nhà thuốc không chỉ là nghĩa vụ về mặt pháp lý, mà còn là trách nhiệm về mặt lương tâm của chủ cơ sở bán thuốc đối với người dân. Làm tốt vấn đề này sẽ góp phần loại bỏ hành vi kinh doanh không trong sạch, gian lận của doanh nghiệp, nhà thuốc, quầy thuốc, tránh tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng quay vòng đến tay người tiêu dùng.
Tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Y tế, trên địa bàn có 6.881 cơ sở cung ứng thuốc đang hoạt động, trong đó có 1.129 cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc; 3.490 nhà thuốc và 2.262 quầy thuốc. Tính đến ngày 31-5-2019, có 5.862/6.881 cơ sở cung ứng thuốc (đạt 85,2%) thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối liên thông trên mạng internet.
Ông Nguyễn Văn Khải, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược (Sở Y tế Hà Nội), thành viên Tổ công tác thành phố triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc cho biết, phần mềm dữ liệu quốc gia sẽ cập nhật những loại thuốc đã được cấp phép và cơ sở chỉ được bán những loại này. Thậm chí, nhân viên tại các cơ sở bán lẻ thuốc phải lưu trữ thông tin về người mua thuốc để có cảnh báo kịp thời.
Nếu như trước đây, việc thanh tra, kiểm tra hoạt động mua bán, thu hồi thuốc tại các nhà thuốc, quầy thuốc được tiến hành thông qua sổ sách, mất khá nhiều thời gian, thì nay chỉ cần vào mạng là có được dữ liệu tương đối đầy đủ.
Bên cạnh đó, người mua thuốc có thể biết được nguồn gốc, so sánh giá thuốc, cách dùng, liều dùng, nhận biết thuốc kém chất lượng bị thu hồi qua việc sử dụng ứng dụng trên điện thoại hoặc tra cứu thông tin trên website…
Tuy nhiên, việc kết nối liên thông các cơ sở cung ứng thuốc gặp không ít khó khăn. Ngay trên địa bàn Hà Nội, tiến độ kết nối quầy thuốc tư nhân tại một số huyện còn chậm. Tính đến hết ngày 31-5-2019, huyện Quốc Oai mới có 36/73 quầy thuốc tư nhân (đạt 49,3%), huyện Thanh Oai có 29/53 quầy thuốc (đạt 54,7%)... được kết nối mạng liên thông.
Không chỉ chậm triển khai, theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Tổ trưởng Tổ công tác thành phố triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, một số cơ sở đã thực hiện kết nối liên thông, nhưng chưa cập nhật đầy đủ, thường xuyên dữ liệu hoạt động quản lý kinh doanh thuốc...
Tăng cường tiền kiểm và hậu kiểm
Để ngăn chặn thuốc kém chất lượng đến tay người bệnh, ông Trần Văn Chung cho biết, thành phố đang chỉ đạo khẩn trương hoàn thành 100% cơ sở cung ứng thuốc được kết nối mạng và phải coi đây như một trong những điều kiện kinh doanh bắt buộc với các nhà thuốc. Thời gian tới, cơ quan chức năng của Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra hoạt động bán thuốc kê đơn, chất lượng kết nối liên thông tại nhà thuốc, quầy thuốc...
Sở Y tế cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã thường xuyên kiểm tra thông tin trên hệ thống cơ sở dữ liệu dược quốc gia, kịp thời phát hiện thông tin thuốc hết hạn hoặc sắp hết hạn sử dụng, thuốc bị đình chỉ lưu hành để giám sát, xử lý nghiêm trường hợp nhà thuốc không thực hiện yêu cầu thu hồi, không cập nhật thường xuyên, đầy đủ dữ liệu theo quy định.
Trên thị trường hiện có khoảng 30.000 loại thuốc lưu hành, mỗi mặt hàng có nhiều tên gọi, hàm lượng, quy cách đóng gói, nhà sản xuất khác nhau, nên không dễ kiểm soát. Trong khi đó, phần lớn thuốc giả, thuốc kém chất lượng được phát hiện trong quá trình hậu kiểm, kiểm nghiệm sau khi lưu hành. Do đó, khi thu hồi, không ít loại thuốc đã được người dân sử dụng hết.
Để khắc phục, theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cùng với việc hậu kiểm - tăng cường thanh tra, kiểm soát chất lượng, nguồn gốc của thuốc, ngành Y tế Thủ đô tiếp tục nâng cao năng lực hệ thống xét nghiệm, giám sát chất lượng thuốc từ khâu tiền kiểm, trước khi lưu hành. Việc lấy mẫu thuốc xét nghiệm sẽ tập trung từ đầu nguồn; tại các nhà phân phối, nhập khẩu...
Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội lưu ý, tất cả văn bản thu hồi thuốc kém chất lượng, Sở Y tế Hà Nội đều công khai trên website của ngành. Khi mua thuốc, người dân nên chú ý xem kỹ nhãn mác, hạn sử dụng, số lô. Bởi, cùng một loại thuốc, nhưng cơ quan chức năng chỉ thu hồi những lô thuốc khi xét nghiệm không đạt yêu cầu.
Ngoài ra, khi phát hiện hiệu thuốc nào bán thuốc đã thu hồi, cần báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý. Người dân nên mua thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tại các địa chỉ tin cậy, tuyệt đối không nghe theo quảng cáo, truyền miệng, mua thuốc “xách tay”, thuốc bán trên mạng xã hội, không có nguồn gốc xuất xứ.