Lấy người tiêu dùng làm trung tâm
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:28, 18/06/2019
Với sự ra đời của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vị thế người tiêu dùng đã được nâng lên. Song, việc thực hiện các quy định của luật cũng còn nhiều bất cập bởi lực lượng thực thi còn mỏng; người dân vùng nông thôn chưa được tiếp cận nhiều với các quy định trong lĩnh vực này nên chưa biết cách tự bảo vệ khi quyền lợi bị xâm hại…
Trong khi các quy định hiện hành chưa được thực thi đầy đủ để bảo vệ mọi quyền lợi của người tiêu dùng trong các giao dịch theo phương thức truyền thống thì chúng ta lại đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới - khi Việt Nam là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á… Và nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng thương mại điện tử để thực hiện các hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng...
Theo số liệu của Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức), tổng doanh thu ngành thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2018 đã tăng 29,4% so với năm 2017; trong khi số lượng khách mua hàng trên các trang thương mại điện tử đạt 49,8 triệu người, chính thức lọt tốp 6/10 thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới. “Tài nguyên” để khai thác trong lĩnh vực thương mại điện tử rất lớn, song cũng đặt ra rất nhiều khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Do đó, muốn bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng phải tạo lập được một hệ thống pháp luật hoàn thiện, đầy đủ và thống nhất. Việc này cần được đặt trong bối cảnh mới với nền kinh tế đang hội nhập mạnh mẽ và người tiêu dùng phải được ở vị trí trung tâm.
Với sự phát triển toàn cầu hiện nay, các cơ quan liên quan cần làm rõ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ là việc riêng của ngành Công Thương hay của các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các tỉnh mà của rất nhiều cơ quan, hay nói cách khác là của toàn xã hội. Theo đó, các ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp và phải phân định đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, tránh chồng chéo; hoạt động công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật; không bao che, tiếp tay, làm ngơ trước những hành vi lợi dụng hoạt động thương mại nói chung, thương mại điện tử nói riêng để vi phạm pháp luật.
Cũng để quyền lợi người tiêu dùng được bảo vệ một cách thực chất trong cả phương thức giao dịch truyền thống lẫn hiện đại, mỗi doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm, giữ chữ tín trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, trong bối cảnh thương mại điện tử đang trở thành xu hướng, thì các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến càng phải nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ người tiêu dùng; cam kết bán hàng chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và không tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Các cơ quan chức năng luôn không ngừng hoàn thiện hệ thống quy định, bịt kẽ hở pháp lý, tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động thương mại cả truyền thống và phi truyền thống. Mỗi người tiêu dùng cũng cần thực hiện hiệu quả quyền của mình, tố giác sai phạm và hợp tác với cơ quan chức năng trong việc truy tìm những giao dịch, cơ sở xâm hại quyền của người tiêu dùng.
Khi người tiêu dùng được đặt ở vị trí trung tâm, quyền của người tiêu dùng được bảo vệ ở mọi khía cạnh, khi ấy nền thương mại dù giao dịch theo phương thức truyền thống hay hiện đại cũng sẽ bảo đảm được sự phát triển lành mạnh và bền vững.